Hiện nay, hệ thống quy hoạch ở Việt Nam được phân thành 4 loại chủ yếu: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Quy hoạch phát triển ngành, sản phẩm; Quy hoạch xây dựng (trong đó có quy hoạch đô thị); Quy hoạch sử dụng đất có 4 cấp: Cấp quốc gia (cả nước), cấp vùng, cấp tỉnh và cấp huyện. Sau hơn 30 năm đổi mới, đây là thời điểm tốt nhất để đưa ra đánh giá mang tính tổng quan về vai trò của quy hoạch đối với sự phát triển của đất nước và chuẩn bị cho một giai đoạn mới.
Quy hoạch là một trong những công cụ hữu hiệu để giúp các cơ quan quản lý trong việc chỉ đạo, điều hành, thực hiện những nhiệm vụ chính trị, các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, đảm bảo quốc phòng - an ninh, môi trường. Đồng thời là cơ sở để xây dựng các chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển và các dự án đầu tư.TS. KTS Hoàng Hữu Phê - chuyên gia về quy hoạch và quản lý đô thị |
Trên cơ sở đó, Nghị định số 37/NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ về thời hạn lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch vùng không quá 30 tháng tính từ ngày nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt. Trước đó, Luật Quy hoạch ra đời đã tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, Quy hoạch ngành quốc gia, Quy hoạch vùng, Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành...
Theo thạc sĩ, KTS Trần Tuấn Anh - chuyên gia về quy hoạch đô thị, thời gian gần đây, công tác quy hoạch tập trung mạnh vào vấn đề quy hoạch phát triển kinh tế đô thị. Đó là việc tổ chức không gian, hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở cho một đô thị phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của đô thị đó, đồng thời bảo đảm vấn đề về quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững. “Việc có một văn bản luật chính thống dành riêng cho công tác quy hoạch sẽ giải quyết mối quan hệ giữa các ngành, các lĩnh vực và tác động đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo chiều sâu. Hay nói cách khác, đây sẽ là nền tảng để cho các ngành kinh tế phát triển” - ông Trần Tuấn Anh nói.
Gắn với kinh tế thị trườngHiện nay, quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ, kinh tế đô thị đóng góp tới trên 70% GDP của cả nước. Từ các chỉ số thu ngân sách khu vực vùng tỉnh và các đô thị có thể thấy, tăng trưởng kinh tế tại các đô thị đạt trung bình từ 12 - 15%, cao gấp từ 1,2 - 1,5 lần so với bình quân chung của cả nước. Vì vậy, công tác quy hoạch lại càng có vai trò quan trọng trong quá trình định hướng phát triển của các đô thị.
Tại các đô thị, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế diễn ra rõ nét và nhanh hơn các vùng tỉnh, khu vực nông thôn. Tuy nhiên, theo chủ trương của Nhà nước, quá trình phát triển đô thị không thể tách rời với bộ phận nông thôn. Vì vậy, công tác quy hoạch lại giữ vai trò chủ đạo trong việc phân bổ, tập hợp các nguồn lực tài chính, nguồn lực xã hội... để có sự phát triển hợp lý giữa các vùng, ngành kinh tế.
Theo KTS Trần Huy Ánh - Hội KTS Hà Nội, để làm được việc này thì công tác quy hoạch cần phải gắn với kinh tế thị trường, xóa cách tiếp cận theo tính áp đặt, công tác quy hoạch cần phải phù hợp với điều kiện thực tế. Trong thời gian qua, rất nhiều đồ án quy hoạch không được đưa vào thực hiện vì có định hướng phát triển không rõ ràng, mang nặng tính báo cáo hoặc làm theo chỉ tiêu. “Khi đã có Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch, cần phải thực hiện chặt chẽ đúng tiêu chí, đúng đối tượng. Mấu chốt của vấn đề là làm sao để công tác quy hoạch phải gắn liền và phù hợp với kinh tế thị trường. Quy hoạch không chỉ là việc riêng của các cơ quan Nhà nước mà cần phải có sự tham gia của các thành phần kinh tế và đặc biệt sự đóng góp ý kiến từ người dân, bởi họ chính là những người được thụ hưởng lợi ích do công tác quy hoạch mang lại” - ông Trần Huy Ánh chia sẻ.