Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội: tạo thêm cực tăng trưởng từ mô hình chùm đô thị

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Quyết định số 1569/QĐ-TTg ngày 12/12 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, đô thị Thủ đô được tổ chức theo mô hình chùm đô thị gồm đô thị trung tâm, các trục đô thị hướng tâm, các TP trong Thủ đô.

Giảm áp lực, tạo diện mạo mới

Mô hình chùm đô thị, đô thị vệ tinh không mới so với thế giới, các Thủ đô Paris (Pháp), Washington (Mỹ), London (Anh) đã áp dụng mô hình đô thị vệ tinh, giảm được áp lực và bảo tồn lõi lịch sử. Tuy nhiên, với TP Hà Nội, đây là mô hình có tính đặc thù, có sáng tạo để phù hợp với thực tiễn phát triển Thủ đô hiện tại và tương lai.

Đô thị Hòa Lạc là đô thị khoa học, công nghệ và đào tạo, là cửa ngõ phía Tây Thủ đô kết nối với các vùng. Ảnh: Hải Linh
Đô thị Hòa Lạc là đô thị khoa học, công nghệ và đào tạo, là cửa ngõ phía Tây Thủ đô kết nối với các vùng. Ảnh: Hải Linh

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, áp dụng mô hình chùm đô thị là để tạo thêm một số cực tăng trưởng, giảm áp lực vào đô thị trung tâm về công nghiệp, giáo dục, dịch vụ thương mại, văn hóa, thể dục - thể thao..., đặc biệt là về môi trường, kết cấu hạ tầng. Các đô thị vệ tinh có liên kết với trung tâm, song có chức năng hoạt động độc lập, kết nối yếu tố tự nhiên và giữ gìn văn hóa truyền thống, làng nghề truyền thống, tạo nên không gian xanh, không gian sinh thái.

Nhìn xa hơn, đô thị vệ tinh còn là các khu vực tạo thuận lợi cho khởi nghiệp sáng tạo, thích ứng với giai đoạn dân số vàng và cả già hóa dân số. Cụ thể, đô thị Hòa Lạc là đô thị khoa học, công nghệ và đào tạo, hình thành từ hơn 20 năm với tiềm năng khoảng 18.000ha đất xây dựng đô thị, khả năng dung nạp 0,5 triệu người. Đây còn là cửa ngõ phía Tây Thủ đô kết nối với vùng.

Đô thị vệ tinh Sơn Tây là đô thị văn hóa, lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng. Với đặc thù của Thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm, cảnh quan thiên nhiên, đây không chỉ là khu du lịch trọng điểm quốc gia, mà còn là trung tâm nghỉ dưỡng, y tế; khả năng khai thác khoảng 4.000ha đất xây dựng, dung nạp được 0,18 triệu người sống ổn định, chất lượng sống cao.

Đô thị vệ tinh Phú Xuyên là đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông, trung chuyển hàng hóa. Đây sẽ là nơi hấp dẫn cho di dời công nghiệp trong nội đô, khả năng khai thác khoảng 3.000ha đất xây dựng đô thị, dung nạp khoảng 0,13 triệu người.

Đô thị vệ tinh Xuân Mai là đô thị dịch vụ - công nghiệp hỗ trợ và phát triển các khu tiểu thủ công, làng nghề, đang là thế mạnh của TP Hà Nội. Đô thị này có thể khai thác khoảng 4.500ha đất xây dựng đô thị và dung nạp 0,22 triệu người. Hơn thế, đây còn là cửa ngõ Tây Nam để TP Hà Nội liên kết với vùng.

Đô thị vệ tinh Sóc Sơn là đô thị phát triển công nghiệp, dịch vụ hàng không, nghỉ dưỡng, trung tâm y tế, khu đại học tập trung. Đây là cửa ngõ phía Bắc Thủ đô, không chỉ liên kết thuận lợi với đô thị trung tâm, với vùng mà còn với hành lang kinh tế xuyên Á: Côn Minh - Hà Nội - Quảng Ninh, sẽ là khu du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng hấp dẫn trong nước và quốc tế. Khu vực này có khả năng khai thác hơn 5.500ha đất xây dựng đô thị, dung nạp khoảng 0,25 triệu người.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết thêm, ngoài 5 đô thị vệ tinh, còn có khả năng phát triển các thị trấn sinh thái từ hơn 10 thị trấn đã hình thành (Tây Đằng, Kim Bài, Vân Đình, Chúc Sơn...) và hơn 10 thị trấn mới góp phần tạo nên diện mạo mới về không gian đô thị. Quá trình phát triển hệ thống đô thị của Hà Nội như thế không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội mà còn cả với vùng, tạo điều kiện để hội nhập quốc tế và phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Nhận thức đúng về mô hình chùm đô thị, nhất là 5 đô thị vệ tinh để kế thừa, định hướng phát triển trong quy hoạch Thủ đô giai đoạn tới gắn với mô hình chính quyền địa phương là cần thiết và quan trọng. Tuy nhiên, từ những hạn chế tồn tại thời gian qua, nên rà soát lại quy mô, khả năng kết nối và nguồn lực, cũng như xây dựng cơ chế chính sách đặc thù để quy hoạch mới có tính thực tiễn.

Không còn sớm

Thực tế ở Hà Nội những năm qua cho thấy, việc phát triển đô thị còn khá phân tán, tạo nên hình thái “xôi đỗ”, trải rộng trên nhiều địa bàn nhưng không hoặc chậm hoàn thiện dứt điểm từng khu vực. Điều này dẫn đến nhiều hệ quả không tích cực: đầu tư các hệ thống hạ tầng tốn kém mà vẫn không bảo đảm sự đồng bộ. Cụ thể là nhiều khu đô thị rộng lớn nhưng không hoặc ít có người ở, làm lãng phí nguồn lực đầu tư, sử dụng đất kém hiệu quả, sản xuất nông nghiệp các khu vực lân cận gặp khó khăn. Như vậy ít đóng góp được vào việc nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân, phân bố lại dân cư, giải quyết các tồn tại bức xúc chung của đô thị, tạo nên hình ảnh và ấn tượng có phần phản cảm về đô thị... Các chuyên gia nhìn nhận, tình trạng phân tán này cho thấy việc tổ chức phát triển đô thị của TP có phần còn bị động, phụ thuộc nhiều vào đề xuất các dự án của DN vốn có năng lực, cách nhìn nhận, lợi ích... rất khác nhau.

Theo Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội Tô Anh Tuấn, cấu trúc chùm đô thị Thủ đô là giải pháp quan trọng trong quy hoạch chung Hà Nội để bảo đảm sự phát triển cân đối, hợp lý cho TP, tránh tập trung quá mức vào đô thị trung tâm, giải quyết các vấn đề bức xúc của đô thị, khai thác tiềm năng đất đai, cảnh quan, môi trường, văn hóa đa dạng của các khu vực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cân bằng hơn trên địa bàn...  Thời gian qua, việc phát triển các đô thị vệ tinh của Hà Nội mới chủ yếu ở khâu lập quy hoạch. Trong những năm tới, TP cần có chương trình, kế hoạch đẩy mạnh phát triển các đô thị vệ tinh để từng bước hình thành cấu trúc chùm đô thị. Trong các đô thị vệ tinh, Hòa Lạc có vai trò quan trọng, có tiềm năng và lợi thế phát triển nên có thể ưu tiên phát triển sớm. Theo hướng này, trước mắt (có thể đến năm 2030) cần hình thành các cơ sở hạ tầng cơ bản, đặc biệt là hạ tầng kết nối với đô thị trung tâm để phát triển đô thị Hòa Lạc, đồng thời, chuẩn bị cho các dự án đô thị tiếp theo.

Những kinh nghiệm của quá trình phát triển đô thị ở Hà Nội cho thấy, cần đặc biệt chú trọng đến giai đoạn thực hiện quy hoạch, cần lập chương trình chung về phát triển đô thị bao gồm một số phân kỳ; phát triển tập trung, đồng bộ, dứt điểm từng khu vực, chủ động tổ chức các khu vực ưu tiên tập trung đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược... cần được xem xét, áp dụng tối đa khi phát triển một TP mới như Hòa Lạc, cũng như các đô thị vệ tinh khác.

Phát triển một TP mới với dân số khoảng 600.000 người như Hòa Lạc sẽ cần hàng chục năm và nguồn lực rất lớn. Phát triển hệ thống 5 đô thị vệ tinh với dân số 1,4 - 1,5 triệu người còn đòi hỏi thời gian và nguồn lực lớn hơn. Vì vậy, để Thủ đô phát triển cân đối, hình thành cấu trúc chùm đô thị thì việc đẩy mạnh phát triển các đô thị vệ tinh từ giai đoạn này rất cần thiết và không còn sớm.

 

Đô thị trung tâm Hà Nội là hạt nhân của cấu trúc chùm đô thị. Đây là không gian phát triển đô thị quan trọng nhất của Thủ đô, sau 12 năm được định hướng phát triển đã có tốc độ phát triển nhanh, tạo nên bộ mặt đô thị văn minh, hiện đại, có bản sắc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, là động lực phát triển kinh tế đô thị Thủ đô và cả nước. Mặc dù vậy, dưới áp lực của quá trình đô thị hóa, cũng như các thách thức phát triển về kinh tế - xã hội, dân số, hạ tầng đô thị, môi trường, thu hút nguồn lực... Đô thị trung tâm nói riêng và TP Hà Nội nói chung rất cần xem xét, xác định các hướng phát triển ưu tiên, phát huy động lực mới và các xu thế, bối cảnh mới trong nước và quốc tế; thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực trên địa bàn TP thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và định hướng phát triển không gian hạ tầng trong giai đoạn dài hạn hơn nữa.

PGS.TS.KTS Lê Quân - Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội