Quy hoạch trong nông nghiệp: Hướng đến sản xuất bền vững

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhờ đẩy mạnh quy hoạch vùng sản xuất đối với từng loại cây trồng, vật nuôi, đến nay, Hà Nội đã hình thành được hàng trăm vùng sản xuất tập trung đạt hiệu quả kinh tế cao, phát triển theo đúng định hướng quy hoạch.

Mô hình liên kết nuôi cá rô đầu vuông tại xã Đội Bình, huyện Ứng Hòa cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Ánh Ngọc
Nâng giá trị, tăng thu nhập
Với đặc trưng là vùng chiêm trũng, huyện Ứng Hòa đã quy hoạch phát triển vùng trang trại tổng hợp tại các xã có diện tích đất trũng. Đến nay, Ứng Hòa có 144 trang trại chăn nuôi, 57 trang trại nuôi trồng thủy sản tập trung, 11 mô hình ứng dụng công nghệ cao giá trị kinh tế bình quân đạt hơn 2 tỷ đồng/trang trại/năm. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Đặng Thị Tươi, lợi thế lớn nhất từ quy hoạch vùng là người dân có thể xây dựng được mô hình sản xuất với quy mô lớn, thuận lợi để đưa công nghệ vào sản xuất.

Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh Văn (xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai) Hoàng Văn Họa thông tin, năm 2010, Thanh Văn được quy hoạch là vùng trồng lúa trọng điểm của huyện Thanh Oai. Nhờ xây dựng cánh đồng gieo cấy một giống lúa (Bắc thơm số 7), đã hạn chế được sâu bệnh, thuận lợi trong các khâu làm đất, chăm sóc, thu hoạch. Việc quy hoạch vùng sản xuất lúa tập trung đã mang lại giá trị lớn, nâng cao thu nhập cho nông dân. Năm 2013, Thanh Văn đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Gạo Bồ nâu Thanh Văn”. Hiện, HTX đang duy trì vùng sản xuất lúa tập trung 435ha với gần 800 hộ tham gia; sản lượng đạt 130 tấn/năm, giá bán gạo ổn định từ 17.000 – 18.000 đồng/kg.

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, việc quy hoạch vùng sản xuất đã giúp nông dân xây dựng được những mô hình tập trung, ứng dụng công nghệ cao gắn với lợi thế từng địa phương, nhu cầu thị trường. Đây cũng là giải pháp phát triển bền vững, tránh tình trạng “được mùa mất giá”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc quy hoạch các vùng sản xuất, định hướng nhóm cây trồng theo vùng chưa được các địa phương quan tâm đúng mức. Việc đẩy mạnh liên kết DN với các vùng quy hoạch cũng còn nhiều hạn chế.

Tuân thủ quy hoạch

Căn cứ vào lợi thế về thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên, ngành nông nghiệp Thủ đô đang quy hoạch các vùng sản xuất phù hợp. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho hay, đối với các huyện có vùng bãi, không nằm trong phát triển đô thị, tập trung phát triển rau màu, hoa, cây cảnh, cây ăn quả; vùng trũng phát triển trang trại và nuôi trồng thủy sản; vùng đồi núi tập trung phát triển cây chè, cây ăn quả. Từ quy hoạch chung này, các địa phương cần căn cứ theo quy hoạch đã được duyệt để có định hướng xây dựng vùng sản xuất cụ thể.

Huyện Thanh Oai đã quy hoạch vùng trồng lúa chất lượng cao tại các xã Tam Hưng, Thanh Văn; vùng bãi trồng rau màu, cây ăn quả ở xã Kim An; vùng trũng nuôi trồng thủy sản ở các xã Kim Thư, Liên Châu. Để phát huy lợi thế các vùng quy hoạch, huyện xây dựng cơ chế hỗ trợ nguồn giống, xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi tại các vùng sản xuất; đặc biệt hỗ trợ kinh phí cho các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao.

Đưa ra giải pháp nhằm phát triển bền vững vùng quy hoạch, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho rằng, cần tăng cường tập huấn, hướng dẫn nông dân tìm hiểu về quy hoạch vùng, hỗ trợ kinh phí cho vùng sản xuất. Cùng với đó, các đơn vị phải tuân thủ đúng khuyến cáo về cây trồng, vật nuôi tại vùng đã được quy hoạch. Ngành nông nghiệp sẽ tập trung hỗ trợ về giống, máy móc, tập huấn cho người sản xuất đồng thời, duy trì khảo sát, đánh giá qua từng năm để có điều chỉnh cây, con phù hợp với từng vùng quy hoạch.
Hà Nội đã hình thành được hơn 200 vùng sản xuất lúa tập trung với diện tích 40.000ha; các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung với diện tích 4.300ha; 60 vùng nuôi trồng thủy sản với diện tích 7.229ha; phát triển 76 xã chăn nuôi sản phẩm chủ lực với trên 3.800 trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần