Quy hoạch - tư duy khác, tầm nhìn cũng khác

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong lúc có một số chuyên gia lo ngại tiến độ làm quy hoạch chi tiết của các địa phương đang quá chậm, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã bày tỏ một quan điểm mới đó là - không cần phải phủ kín quy hoạch chi tiết, không phải quỹ đất nào cũng phải lập sẵn quy hoạch chi tiết.

Cho rằng tốc độ làm quy hoạch ở nước ta còn rất chậm, ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhẩm tính, theo số liệu về quy hoạch vừa công bố, tốc độ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết tăng trung bình là 2,5%/năm. Hiện còn 65% quy hoạch chi tiết chưa thực hiện. Nếu cứ theo tốc độ này, sẽ phải mất 26 năm nữa để hoàn thành. Do đó, việc thỏa thuận quy hoạch, cơ chế xin cho sẽ tồn tại rất lâu, khó giữ được quy hoạch chung. Hậu quả và việc khắc phục chắc chắn tốn kém khó thể thống kê hết.
Xây dựng các công trình nhà ở cần phải theo quy hoạch.  	Ảnh: Nhật Nam
Xây dựng các công trình nhà ở cần phải theo quy hoạch. Ảnh: Nhật Nam
Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, đến hết năm 2015, quy hoạch chung đạt 100%, (tăng 7% so với năm 2010), quy hoạch phân khu đạt 72% (tăng 2% so với năm 2014; tăng 27% so với năm 2010), quy hoạch chi tiết 1/500 đạt khoảng 33% (tăng khoảng 3% so với năm 2014, tăng 13% so với năm 2010), quy hoạch xây dựng nông thôn đạt 98,2% (tăng 3,3% so với năm 2014; tăng 71,8% so với năm 2010).

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đánh giá: “Công tác lập và quản lý thực hiện quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị ở một số nơi còn chậm, ảnh hưởng đến công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị. Công tác quản lý, kiểm soát phát triển đô thị có nơi còn thiếu quyết liệt”.
Kế hoạch năm 2016 của Bộ Xây dựng đề ra mục tiêu: Tỷ lệ quy hoạch vùng tỉnh đạt 100%, quy hoạch chung đạt 100%, quy hoạch phân khu đạt khoảng trên 75%, quy hoạch chi tiết 1/500 đạt khoảng trên 35%, quy hoạch xây dựng nông thôn đạt 100%.

Về nguyên nhân của thực trạng này, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho là do một số địa phương chưa thực sự quan tâm, quyết liệt trong triển khai công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị; kinh phí dành cho công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị còn hạn chế, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn ngân sách Nhà nước, chưa đa dạng hóa, xã hội hóa được các nguồn lực để thực hiện.

Thẳng thắn đánh giá về những tồn tại, nhược điểm của công tác quy hoạch, tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng lưu ý, không phải quỹ đất nào cũng phải lập quy hoạch chi tiết. Quy hoạch cần chỉ ra các quỹ đất dự trữ để khi các nhà đầu tư vào tiếp cận, triển khai dự án có thể đưa ra các ý tưởng mới. “Nếu cụ thể hóa bằng tư duy của nhà quản lý mà tư duy không theo kịp với sự phát triển thì đó lại là kìm hãm” - Bộ trưởng Trịnh Đĩnh Dũng nói và nhấn mạnh, quy hoạch xây dựng là nòng cốt, tạo ra tài sản cố định hàng trăm năm. Cần đổi mới nhận thức về quy hoạch xây dựng vì các quy hoạch khác dựa vào để đề ra các kế hoạch trung hạn 5 - 10 năm và hàng năm.

Lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng chỉ rõ, nâng cao chất lượng quy hoạch phải gắn liền với quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, nâng cao chất lượng quy hoạch xây dựng nông thôn, tập trung thiết kế đô thị, nhất là đô thị lớn. Đặc biệt cần làm quy hoạch chi tiết để chỉnh trang đô thị với các đô thị cũ. Mục tiêu của ngành Xây dựng là tăng cường kiểm soát phát triển xây dựng theo quy hoạch, phát triển đô thị và kiểm soát phát triển đô thị theo Nghị định số 11 của Chính phủ, theo đó phát triển đô thị phải theo quy hoạch và có kế hoạch. Quy hoạch “treo”, đó là do quy hoạch mà không có kế hoạch, đây chính là lỗ hổng lớn mà Nghị định 11 đã lấp đầy, đánh dấu sự đổi mới căn bản về tư duy quản lý.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần