Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) đã bổ sung quy định công chứng viên chịu trách nhiệm trước người yêu cầu dịch về tính chính xác của nội dung bản dịch và chứng nhận nội dung bản dịch không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội, nhằm đề cao trách nhiệm của công chứng viên trong hoạt động này. Tuy nhiên, nhiều ĐB cho rằng, yêu cầu công chứng viên phải chịu trách nhiệm về tính xác thực của các giấy tờ, nội dung được dịch sẽ vượt quá khả năng của những người này. Thảo luận Luật Xây dựng (sửa đổi), đi sâu phân tích về quy hoạch xây dựng, theo các ĐB, đây là loại quy hoạch đặc thù và khác biệt với các loại quy hoạch khác. Quy hoạch xây dựng tốt sẽ tránh việc đầu tư dàn trải, trùng lắp, đảm bảo phát triển quản lý đô thị. Vì vậy, nhiều ý kiến đồng ý với việc cần có quy định về quy hoạch xây dựng như trong dự thảo Luật, thay vào đó cần quy định, thời hạn rà soát định kỳ đối với quy hoạch chi tiết xây dựng là 3 năm (kể từ ngày quy hoạch xây dựng được phê duyệt). Các ĐB đề nghị làm rõ khái niệm "quy hoạch chi tiết" và mở rộng thời gian nhằm tạo sự ổn định. Để đảm bảo chất lượng công trình xây dựng, tránh tình trạng thất thoát, lãng phí, các ĐB đề nghị cần quy định chặt chẽ điều khoản "thẩm định dự án xây dựng". ĐB Lê Như Tiến cho rằng, cần làm tốt ngay từ khâu thẩm định thiết kế cơ sở, bởi đây là cơ sở để triển khai các bước thiết kế xây dựng tiếp theo, xác định tổng mức đầu tư xây dựng và là yếu tố quyết định tới hiệu quả dự án. ĐB Nguyễn Bá Thuyền và Nguyễn Ngọc Phương cũng đề nghị bổ sung thêm các điều khoản về quyết toán kiểm toán, quản lý sử dụng công trình nhằm tránh lãng phí, thất thoát trong các dự án xây dựng; đồng thời, việc giám sát các dự án đầu tư xây dựng ngoài Chính phủ, các bộ, ngành cần có sự tham gia của Quốc hội và người dân, tùy quy mô và loại hình xây dựng.