Quý I/2016: Kinh tế vĩ mô tăng trưởng không như kỳ vọng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 12/4, Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đã công bố Báo cáo vĩ mô quý I/2016 với nhiều lo ngại về diễn biến kinh tế quý I năm nay.

TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR cho hay, tăng trưởng kinh tế quý I/2016 chỉ đạt mức 5,46%, thấp hơn 6,12 của quý I/2015. “Tăng trưởng quý I thường thấp so với các quý trong năm nhưng nhưng năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái là vấn đề”, ông Thành lo lắng.
Các khách mời tham gia Tọa đàm
Các khách mời tham gia Tọa đàm "Công bố báo cáo vĩ mô quý I/2016"
Bên cạnh đó, số liệu thống kê đến quý III/2015 chỉ ra rằng, cán cân thanh toán đã có những diễn biến bất thường sau sự kiện Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ hồi tháng 8/2015. Cán cân tổng thể chuyển từ trạng thái cân bằng sang thâm hụt lớn 6,6 tỷ USD trong quý III/2015 chủ yếu do cán cân tài chính đổi chiều.

Đáng lưu ý, một nhân tố mới xuất hiện là tiền gửi ở nước ngoài vốn không đáng kể ở những giai đoạn trước thì tới thời điểm này gia tăng đột biến lên 7,3 tỷ USD. “Đây là diễn biến bất thường cần phải tiếp tục  theo dõi xu hướng, giải thích và dự báo chặt chẽ”, ông Nguyễn Đức Thành nói. Theo nhóm nghiên cứu, diễn biến  bất thường này, một phần có thể xem như tình trạng “bẫy thanh khoản” với ngoại tệ của hệ thống ngân hàng .      

Ông Phạm Văn Đại – Trưởng nhóm nghiên cứu vĩ mô VEPR phân tích, trước đây các ngân hàng trong nước nhận tiền gửi của ngân hàng nước ngoài vì Việt Nam là nền kinh tế thiếu vốn. Tuy nhiên, khi Trung Quốc phá giá Nhân dân tệ, Việt Nam cũng phá giá, ngân hàng huy động USD nhưng không cho vay ra được vì doanh nghiệp không muốn vay USD khi tỷ giá tăng. Do đó, các ngân hàng có giải pháp duy nhất là gửi kỳ hạn ngắn ở ngân hàng nước ngoài để vớt vát lại lợi nhuận.

Chuyên gia này cho rằng nhiều khả năng diễn biến mới này vẫn còn diễn ra cho tới hiện tại do quy định lãi suất huy động USD về 0% đã triệt tiêu động lực tiết kiệm ngoại tệ có kỳ hạn. Chống đô-la hóa là một chủ trương đúng của Ngân hàng Nhà nước, tuy nhiên cơ quan này cần triển khai một cách đồng bộ các giải pháp tạo niềm tin vào tiền Đồng. Khi đó, nền kinh tế mới sử dụng được nguồn vốn ngoại tệ khối lượng lớn đang gửi ở nước ngoài.

“Mặc dù tình hình tăng trưởng trong nước quý I không như kỳ vọng, nhưng về cơ bản, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn tích cực trong năm 2016 nếu những cơ hội từ tự do hóa thương mại được tận dụng và cải cách hành chính tiếp tục được thúc đẩy” - TS Nguyễn Đức Thành kết luận. VEPR khuyến nghị cần duy trì các chính sách kinh tế hướng tới duy trì mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đặc biệt, cần tránh tâm lý nôn nóng trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng cao khi bắt đầu một nhiệm kỳ Chính phủ mới. 

Theo dự báo của ông Nguyễn Đức Thành, lạm phát năm nay có thể quay trở lại 4-5%. Song mức 4-5% không phải là vấn đề của nền kinh tế do lạm phát năm ngoái thấp mà vấn đề là con số này sẽ kích hoạt tâm lý người dân và kích hoạt tăng lãi suất.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần