Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quỹ khuyến nông thúc đẩy cơ giới hoá tại huyện Thạch Thất

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhờ nguồn vốn từ Quỹ khuyến nông Hà Nội, nhiều hộ dân tại huyện Thạch Thất đã có điều kiện đầu tư máy móc cơ giới hoá phục vụ sản xuất. Không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp, nhiều hộ dân còn tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Với sự hỗ trợ của Trạm Khuyến nông huyện Thạch Thất (nay là Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thạch Thất), năm 2020, anh Khuất Văn Thơi, ở xã Lại Thượng đã được vay 500 triệu đồng vốn Quỹ khuyến nông để mua máy gặt đập liên hợp Kubota DC.

Cơ giới hóa trong thu hoạch lúa tại huyện Thạch Thất. Ảnh: Phạm Hùng
Cơ giới hóa trong thu hoạch lúa tại huyện Thạch Thất. Ảnh: Phạm Hùng

Từ khi có máy gặt, anh Thơi đưa máy đi thu hoạch lúa khắp nơi, không chỉ trên địa bàn Hà Nội mà còn ở các huyện, tỉnh lân cận. Theo anh Thơi, giá thu hoạch 1 sào lúa dao động từ 130.000 - 180.000 đồng, trừ các loại chi phí, phần lời lãi còn khoảng 35 - 40% doanh thu. Cũng nhờ làm ăn hiệu quả mà năm 2023, anh Thơi đã hoàn trả 100% vốn vay Quỹ khuyến nông.

Còn với anh Nguyễn Duy Hạnh, ở xã Hạ Bằng thì Quỹ khuyến nông thực sự là động lực vươn lên làm kinh tế. Anh Hạnh chia sẻ, năm 2023, gia đình được vay 330 triệu đồng từ nguồn Quỹ Khuyến nông TP thông qua sự giới thiệu, hướng dẫn của cán bộ khuyến nông Thạch Thất. Với số tiền này, anh Hạnh đã mua máy kéo Kubota phục vụ làm đất.

“Việc không phải trả lãi hàng tháng, cộng với ân hạn trả dần trong 3 năm khiến chúng tôi phần nào an tâm sản xuất. Nếu không có nguồn vốn đi kèm với chính sách trả góp từ Quỹ khuyến nông thì chắc chúng tôi không dám đầu tư” - anh Hạnh nói.

Theo thống kê, trong giai đoạn từ năm 2020 – 2024, toàn huyện Thạch Thất có 10 hộ dân được vay vốn Quỹ khuyến nông TP để đầu tư trang thiết bị cơ giới hóa (máy gặt đập liên hợp, máy kéo) với tổng số tiền hơn 4,2 tỷ đồng. Hiệu quả kinh tế mang lại rất rõ rệt và các hộ đều trả nợ đúng hạn.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thạch Thất Nguyễn Bùi Hải cho biết, thực tế việc cho vay vốn Quỹ khuyến nông đã cho thấy tính ưu việt và hiệu quả tích cực. Người dân đánh giá rất cao chính sách không tính lãi và trả góp dần trong vòng 3 năm, của chương trình cho vay phát triển cơ giới hoá mà TP Hà Nội đang triển khai rộng khắp.

Hiện nay, 500 triệu đồng cũng là số tiền tối đa mà một hộ dân được phép vay từ Quỹ khuyến nông. Điều này cho thấy, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, Sở NN&PTNT đã cố gắng tạo điều kiện tối đa cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế nông nghiệp.

Bên cạnh hỗ trợ vốn vay ở mức tối đa, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thạch Thất thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng sử dụng trang thiết bị máy móc cơ giới hoá; phối hợp với chính quyền cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền về ứng dụng cơ giới hoá trong việc nâng cao năng suất, chất lượng lúa hàng hoá để người dân ủng hộ.

Mặc dù vậy, ông Nguyễn Bùi Hải cũng chỉ ra nhiều khó khăn hiện nay trong việc cho vay vốn Quỹ khuyến nông. Trong số này, nan giải nhất là yêu cầu các tổ chức, cá nhân phải có tài sản thế chấp, mà cụ thể là đất đai. Không ít tổ chức, cá nhân muốn vay vốn nhưng khó tiếp cận do không có tài sản đảm bảo. Đây cũng là vấn đề mà cơ quan quản lý Quỹ khuyến nông đang tiếp tục rà soát, nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới.