Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu: Việt Nam bỏ lỡ quyền đánh thuế

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bắt đầu từ năm 2024, một số quốc gia sẽ áp dụng Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu. Tác động của chính sách này đến Việt Nam rất rõ ràng và cấp bách, thể hiện rõ nhất trong 2 lĩnh vực: Thuế và thu hút đầu tư nước ngoài.

Hơn 1.000 DN FDI chịu ảnh hưởng

Ngày 15/12/2022, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua kế hoạch áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu (TTTTC) 15% từ 1/1/2024. Bên cạnh đó, Hàn Quốc là nước đầu tiên tuyên bố áp dụng thuế tối thiểu từ năm 2022, nhưng cần thông qua luật và nghị định quy định chi tiết vấn đề này nên dự kiến trong năm 2023 ban hành.

Còn Nhật Bản công bố áp dụng TTTTC trong tháng 2 mới đây, bắt đầu có hiệu lực từ 1/4/2024... Trong khi đó, các nước tiếp nhận đầu tư như: Indonesia, Malaysia… cũng đang tích cực chuẩn bị cho việc áp dụng TTTTC từ năm 2024.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Quy tắc TTTTC sẽ áp mức 15% đối với các DN thuộc tập đoàn đa quốc gia có quy mô doanh thu hợp nhất toàn cầu hằng năm trên 750 triệu Euro. Khởi xướng bởi Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và hiện nay đã được hơn 140 quốc gia đồng thuận. Quy tắc thuế mới nói trên là một cột mốc quan trọng cho sự phối hợp thực thi thuế giữa các quốc gia.

Hiện các quốc gia cạnh tranh với nhau để thu hút FDI bằng cách đưa ra mức thuế suất thấp và nhiều ưu đãi thuế khác nhau. Một trong những kết quả được mong đợi của Quy tắc TTTTC là sự cạnh tranh về thuế giữa các quốc gia sẽ giảm xuống.

Các công ty đa quốc gia có hoạt động đầu tư tại Việt Nam phải chịu tác động của Quy tắc về thuế thu nhập DN tối thiểu toàn cầu, nếu công ty mẹ cao nhất hoặc công ty mẹ trực tiếp/gián tiếp có trụ sở đặt tại quốc gia có áp dụng Quy tắc TTTTC.

Điều này khiến các lợi thế về ưu đãi thuế thu nhập DN của Việt Nam vô hình trung bị mất tác dụng, đồng thời quyền thu thuế của Việt Nam đối với thu nhập tạo ra từ các hoạt động kinh doanh của công ty đa quốc gia tại Việt Nam bị chuyển sang quốc gia đi đầu tư.

Đơn cử như, nếu một tập đoàn của Hàn Quốc đang nộp thuế thu nhập DN 7% tại Việt Nam, khi TTTTC được áp dụng ở Hàn Quốc năm 2024 mà chưa áp dụng ở Việt Nam, tập đoàn đó sẽ phải nộp ít nhất 8% thuế chênh lệch cho Hàn Quốc, nước đặt trụ sở chính. Điều này khiến các ưu đãi thuế tại Việt Nam trở thành vô nghĩa. Các ưu đãi thuế đáng lẽ phải thuộc về nhà đầu tư thì nay lại biến thành nguồn thu của các công ty xuất khẩu vốn.

Ông Thomas McClelland - Phó Tổng giám đốc phụ trách Dịch vụ tư vấn thuế, Deloitte Việt Nam cho rằng, trong trường hợp không có những hành động ngay hoặc chậm trễ trong việc triển khai TTTTC, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội giành quyền đánh thuế và không thu được phần thuế bổ sung.

Trong năm 2022, qua rà soát của Tổng cục Thuế, có khoảng 1.015 DN FDI chịu ảnh hưởng bởi chính sách này.

Kịp thời có chính sách ứng phó

Rõ ràng, quy định này sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam và các quốc gia đang cạnh tranh để trải thảm đỏ, thu hút “đại bàng” đầu tư. Trong số nhiều nước rục rịch chuẩn bị áp dụng TTTTC, có nhiều quốc gia đang đầu tư lớn tại Việt Nam. Do vậy, việc chính thức áp dụng chính sách TTTTC sẽ gây không ít tác động đến các DN FDI tại Việt Nam. Hơn nữa, thời gian áp dụng TTTTC đến nay đã khá gấp gáp khi nhiều nước dự kiến từ năm 2024.

Luật thuế của Việt Nam yêu cầu các công ty phải nộp thuế 20% thu nhập chịu thuế của họ. Song Việt Nam đang áp dụng cơ chế ưu đãi thuế dựa trên địa bàn, lĩnh vực được khuyến khích đầu tư và quy mô dự án với.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh, thuế suất ưu đãi dành cho các công ty đa quốc gia lớn đầu tư vào Việt Nam dao động từ 2,75% đến 5,95% - thấp hơn đáng kể so với thuế suất thông thường 20%, cũng như thấp hơn mức thuế đã thống nhất gần đây là 15%.

Theo tính toán của Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE), trong trường hợp Việt Nam thực hiện chậm, có 2 cái hại. Một là Việt Nam không thu được phần chênh lệch 8%. Như vậy, ngân sách chúng ta sẽ mất vài tỷ USD/năm, trong khi tổng thu ngân sách hàng năm chỉ khoảng 100 tỷ USD.

Thứ hai, một trong những điểm yếu của chúng ta là chưa xử lý được vấn đề chuyển giá trốn thuế. Nếu có một cơ chế TTTTC tốt nhất trên cơ sở học hỏi từ các nước, cộng với những lợi thế mà hiện nay các nhà đầu tư cho rằng chỉ Việt Nam mới có như ổn định chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát tốt, thị trường 100 triệu dân với 25-30 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu, thì rõ ràng đó lại là một cơ hội lớn.

''Chúng ta có một thị trường thế giới rất tốt nhờ 15 hiệp định thương mại tự do đã ký và những hiệp định đang chuẩn bị thương lượng và ký. Tất cả các yếu tố thuộc về lợi thế của Việt Nam sẽ được nhân lên” - Chủ tịch VAFIE GS-TSKH Nguyễn Mại bày tỏ.

Cũng có ý kiến cho rằng, việc tham gia Quy tắc TTTTC sẽ giúp Việt Nam gia tăng nguồn thu thuế từ các DN FDI. Song điều này cũng đặt Việt Nam trước các thách thức mới trong thu hút các dự án FDI trọng điểm sử dụng công nghệ mới và tiên tiến trong các lĩnh vực ưu tiên.

Do đó, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cần rà soát, đánh giá đầy đủ chính sách ưu đãi thuế gồm những gì. Nếu áp dụng mức thuế 15%, đối tượng chịu tác động là ai, mức độ, quy mô ra sao?

Theo các chuyên gia, cần kịp thời bù đắp bằng các lợi ích thay thế tương xứng với ưu đãi đang hưởng. TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, cho biết việc áp dụng TTTTC sẽ làm giảm sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư tại các nước đang phát triển, nhất là những nước chủ yếu dựa vào ưu đãi thuế để thu hút vốn FDI.

Mức độ ảnh hưởng phụ thuộc vào đặc điểm của hệ thống thuế, cụ thể là hệ thống thuế thu nhập DN của mỗi quốc gia. Để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, thu hút thêm dòng vốn ngoại, Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, minh bạch và nhất quán hơn nữa. Đây là những lợi thế mang lại gấp hơn nhiều lần chi phí tài chính mà nhà đầu tư phải trải qua" - ông Lực khuyến nghị.

 

Nếu Chính phủ có thể trình Quốc hội sửa các luật liên quan như Luật DN, Luật Đầu tư, Luật Quản lý thuế vào tháng 10 này, thì năm 2024 có thể thực hiện được TTTTC. Nếu không kịp, Quốc hội có thể ra nghị quyết cho Chính phủ ban hành các quy định dưới luật để thực hiện.

Chủ tịch VAFIE GS-TSKH Nguyễn Mại