Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy tắc ứng xử phải chữa bệnh cửa quyền với dân

Linh Anh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội ủng hộ quan điểm Hà Nội đang rất cần có Bộ Quy tắc ứng xử (QTƯX) nhằm chữa bệnh lệch chuẩn văn hóa và cửa quyền với Nhân dân của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), người lao động...

Nhiều người nói rằng cách ứng xử của công chức, viên chức (CCVC) Hà Nội đang ở giai đoạn “báo động” nên phải cho ra đời Bộ QTƯX. Ông có đồng ý với quan điểm này?
- Không chỉ riêng Hà Nội mà trên cả nước đang báo động về tình trạng lệch chuẩn ứng xử của CCVC với Nhân dân. Trong khi ở các nước phát triển, công chức làm việc với tinh thần phục vụ người dân thì ở Việt Nam ngược lại. Từ ông trông xe trong cơ quan Nhà nước đến một cán bộ có chút vai trò giải quyết những thủ tục hành chính đều "hành" dân. Những việc làm này đang trở thành tác phong xấu trong nền hành chính của nước ta. Trong khi thực tế, cán bộ CCVC nhận lương từ tiền thuế của dân đóng nên phải coi người dân là thượng đế. Chính vì vậy, QTƯX mà Hà Nội đang chuẩn bị ban hành không phải nâng cao trình độ văn hóa, trình độ học thức mà định hướng cho người ta hiểu vị trí, vai trò, chức năng của người cán bộ.
Trên thực tế, qua 2 năm thực hiện Năm trật tự và văn minh đô thị, công tác hành chính của Hà Nội cũng đã có nhiều chuyển biến, không chỉ là những điều bi quan?
- Để đáp ứng nhu cầu đời sống văn minh, hoạt động tiếp dân ở nhiều phường, quận đã tiến bộ so với trước. Phường Liễu Giai (quận Ba Đình) - nơi tôi sinh sống, ngày xưa bộ mặt cơ quan úi xùi, bẩn thỉu; bây giờ khác hơn: Có bàn, có ghế, có thông báo ở cổng đảm bảo lợi ích cũng như thuận tiện cho người dân có công việc đến phường. Tại cửa các phòng chức năng có bảng thông báo ngày, giờ công việc giải quyết cho dân trong tuần. Nhân viên phải đeo thẻ. Họ có hướng dẫn hoặc chào hỏi lịch sự chứ không hất hàm khó chịu như trước kia...
Đa phần các ý kiến ủng hộ Hà Nội cần đưa ra Bộ QTƯX cho cán bộ CCVC, người lao động; cũng như QTƯX cho người dân ở nơi công cộng. Tuy nhiên, nhìn vào bản dự thảo mới nhất của Bộ QTƯX, rất nhiều ý kiến không đồng tình trước những quy định quá cụ thể về sử dụng trang phục, nước hoa, trang sức… Theo ông, có cần phải cụ thể hóa đến như vậy để định hướng tác phong ăn mặc của CCVC và người lao động?
- QTƯX quy định về ăn mặc, trang phục không hẳn là sai. Bởi vì trong các ngành quân đội, kiểm soát viên, công an… đều có quy định trang phục, đeo quan hàm, quân hiệu. Cán bộ công chức ở nhiều cơ quan, nhân viên các công ty còn có trang phục riêng. Họ có những quy định ứng xử để xây dựng văn hóa DN. Nhưng theo tôi, Bộ QTƯX của Hà Nội nên mang tính khái quát với quy định, định hướng chung nhất; đến các đơn vị Thủ đô có thể triển khai cụ thể theo điều kiện, tính chất công việc của cơ quan mình. Chính vì thế, những vấn đề như độ ngắn dài của váy, áo có cổ, có ống tay, sử dụng nước hoa, trang sức… nên để các cơ quan tự cụ thể hóa. Điều cơ bản nhất Bộ QTƯX phải chữa được bệnh cửa quyền.
Người Hà Nội bây giờ không chỉ còn là người Hà Nội ở 36 phố phường, mà là nơi tụ hội của người dân từ rất nhiều tỉnh, thành khác. Yêu cầu người dân các tỉnh phải ứng xử văn hóa như người Tràng An liệu có làm khó cho họ?
- Người ta nói rằng nhập gia phải tùy tục. Hà Nội là mảnh đất văn minh thanh lịch thì mọi người dân đến đây đều phải ứng xử theo chuẩn mực đó, không thể coi mình là người nhà quê lên mà có quyền xả rác bừa bãi, gọi nhau oang oang giữa phố… Hà Nội phải xây dựng giá trị văn hóa được thế giới thừa nhận, nghĩa là phải hội nhập được cả về văn hóa ứng xử văn minh chung của nhân loại.
 Xin cảm ơn ông!