Theo đó, Cục Trồng trọt đã ban hành quy trình và sổ tay hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL. Các hợp phần kỹ thuật sản xuất có tính liên kết, thống nhất với nhau tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh, đồng bộ, áp dụng cho sản xuất lúa trong vùng của đề án.
Quy trình nhằm giảm 30% chi phí đầu vào, góp phần giảm chi phí sản xuất lúa cho các hộ nông dân; tăng tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa, góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm lượng khí phát thải.
Quy trình và sổ tay hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL, bao quát toàn bộ các khâu của sản xuất lúa, gồm 3 hợp phần: Kỹ thuật canh tác; thu hoạch và xử lý sau thu hoạch; quản lý rơm rạ.
Bà Nguyễn Thị Minh Thúy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, địa phương có tổng diện tích sản xuất lúa hàng năm trên 600.000 hec ta, tổng sản lượng khoảng 4 triệu tấn. Trong đó, có gần 100.000 hec ta liên kết theo chuỗi giá trị với 30 doanh nghiệp.
Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cơ hội cho các tỉnh ĐBSCL phát triển lúa gạo theo xu hướng bến vững. Việc thông qua “Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thái thấp vùng ĐBSCL”, kỳ vọng sẽ giúp các tỉnh trong vùng định hướng, tuyên truyền và tập huấn, từng bước giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất theo hướng an toàn, hiệu quả gắn với tăng trưởng xanh. Đây là điều kiện rất quan trọng để đề án triển khai và thực hiện hiệu quả tại các tỉnh vùng ĐBSCL, bà Nguyễn Thị Minh Thúy cho hay.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, để triển khai đề án đạt chất lượng, hiệu quả, các tỉnh cần quan tâm xây dựng, nâng chất hợp tác xã, xem hợp tác xã là chủ lực để liên kết với doanh nghiệp, ổn định đầu vào và đầu ra theo hướng bền vững.
Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế triển khai quy trình canh tác, phối hợp các tổ chức quốc tế, viện, trường, doanh nghiệp tập huấn, đưa quy trình kỹ thuật đến với nông dân để triển khai đề án đạt hiệu quả cao.