Quy trình khép kín “tàn sát” đất nông nghiệp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, lợi dụng sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, một số đối tượng đã đào múc đất nông nghiệp khu vực xóm bãi ven sông Hồng để phục vụ sản xuất gạch thủ công và bán kiếm lời.

Lấy đi đất ruộng màu mỡ

Sau khi nhận được phản ánh của người dân xã Liên Hà, chúng tôi đã tìm đến khu vực xóm bãi ven sông Hồng, nơi giáp ranh với địa bàn xã Liên Hồng để tìm hiểu thực tế. Tại đây, hiện đang tồn tại 4 lò gạch thủ công cùng 1 lò nữa đang trong quá trình xây dựng, chuẩn bị đưa vào sử dụng. Theo thông tin của người dân, chủ lò vốn là người xã Liên Hồng, lợi dụng khu vực bãi ven sông của Liên Hà thưa vắng, các lực lượng chức năng ít để mắt tới, đã cho xây dựng và vận hành các lò gạch thủ công vốn bị cấm hoạt động từ lâu vì gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Lò gạch thủ công tại xã Liên Hà. 	Ảnh: Phạm Hùng
Lò gạch thủ công tại xã Liên Hà. Ảnh: Phạm Hùng
Nguồn nguyên liệu chủ yếu phục vụ các lò gạch này được lấy ngay tại chỗ. Chủ lò huy động nhiều máy xúc, múc đất ruộng khu vực quanh các lò lên vừa đưa vào các nhà xưởng để đóng thành gạch, vừa bán ra bên ngoài với giá dao động từ 200.000 - 800.000/xe tùy khối lượng. Để phục vụ 4 lò gạch, mỗi ngày chủ lò cho múc lên hàng trăm mét khối đất, để lại những hố sâu tới cả chục mét. Hiện ruộng đất quanh các lò gạch này đã trở thành một hệ thồng hầm hào, hố vực, rộng đến hàng ngàn mét vuông, và có vẻ việc làm ăn rất phát đạt, không gặp trở ngại gì nên người ta đang cho xây dựng thêm một lò gạch nữa… Ngoài ra, mỗi ngày có tới vài chục chuyến xe ra vào chở đất đi khắp nơi, bán cho các vườn trồng cây cảnh, các lò gạch khác trong vùng trước sự bất lực của người dân nơi đây.

Đặc biệt nguy hiểm là khu vực này nằm ngay mép sông Hồng, bờ sông đang có dấu hiệu sạt lở nghiêm trọng nhiều đoạn. Với tình trạng bên ngoài sạt lở, bên trong bị đục rỗng như trên, chẳng bao lâu nữa cả vùng bãi này sẽ bị dòng sông nuốt chửng. Một người dân có ruộng rau cạnh khu lò gạch cho biết: "Mỗi ngày múc hàng chục xe, đồng ruộng sắp thành hố vực hết cả. Có ít ruộng bãi màu mỡ mà không biết còn được đến bao giờ".

Trả lại xỉ than và gạch vụn

Không những khai thác đất theo kiểu "tàn sát", chủ lò gạch còn cho công nhân đổ xỉ than, gạch vỡ lấp vào các hố đất sâu vừa để che mắt thiên hạ vừa đỡ tốn công vận chuyển đi xa. Hành vi múc đất lên rồi lấp xỉ xuống sẽ khiến đất nông nghiệp khu vực này vĩnh viễn trở thành đất "chết", bởi thế người dân mới gọi đó là "quy trình phá hoại khép kín". Hiện một khu vực đất đai rộng lớn từng rất màu mỡ đã trở thành bãi hoang im lìm, đến cỏ dại cũng không mọc nổi.

Người dân nơi đây đã nhiều lần kêu cứu đến các cơ quan chức năng địa phương nhưng cả một khu đồng ruộng rộng hàng chục ngàn mét vuông này dường như… vô hình trong mắt những người có thẩm quyền. Chủ lò gạch vẫn ngày ngày lấy đi đất đai, trả lại phế thải độc hại; các lò gạch vẫn ngày ngày nhả khói xám trời, mà hoàn toàn không có ai để mắt tới. Dạo một vòng quanh khu lò gạch, chúng tôi chỉ thấy công nhân, lò gạch, các hố vực lớn, các nấm mồ xỉ than, gạch vỡ mà không hề thấy bất cứ bóng dáng cán bộ chức năng sở tại nào. Vậy, việc để mặc cho một số cá nhân tự do phá hoại môi trường, "tàn sát" đất nông nghiệp tại xóm bãi xã Liên Hà phải chăng chính quyền địa phương đang cố tình làm ngơ cho vi phạm?

Liên quan đến câu hỏi này, chúng tôi đã tìm đến UBND xã Liên Hà, Phòng TN&MT huyện Đan Phượng để liên hệ trao đổi thông tin nhưng đều không gặp được người có trách nhiệm. Nhân dân địa phương và dư luận vẫn đang ngóng chờ câu trả lời thích đáng của chính quyền sở tại. Vì sao những vi phạm lớn như thế lại có thể ngang nhiên tồn tại trong suốt thời gian qua?