Trả lời câu hỏi của phóng viên về khả năng Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội từ cuộc CMCN 4.0 hay không, với nền tảng công nghiệp thấp, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng khi một cuộc cách mạng mới diễn ra, tương lai sẽ không phụ thuộc nhiều vào quá khứ mà có những bước đột phá.
“Các quốc gia đang phát triển, nơi không có quá nhiều hạ tầng và thành quả từ các cuộc cách mạng công nghiệp trước đó, sẽ ít gánh nặng trên vai hơn. Họ có thể di chuyển nhanh hơn” – Quyền Bộ trưởng nói.
|
Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi họp báo. Ảnh WEF |
Người đứng đầu Bộ Thông tin Truyền thông nêu quan điểm rằng CMCN 4.0 không quá nặng về công nghệ, mà chú trọng nhiều hơn tới cách mạng về chính sách. “Các quốc gia đang phát triển không có khuôn khổ pháp lý cứng nhắc, điều này có nghĩa họ có thể linh hoạt hơn để đón nhận những mô hình kinh doanh mới, chính sách mới nhằm thích nghi, áp dụng công nghệ mới. Tôi nghĩ rằng các quốc gia đang phát triển như vậy có nhiều cơ hội hơn”.
Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng WEF ASEAN 2018 là cơ hội để những người tham dự cùng chia sẻ kinh nghiệm, ý tưởng mới đối và sáng kiến trong khu vực ASEAN. Về phần mình, ông cho biết mang tới diễn đàn này 3 sáng kiến. Thứ nhất, kết nối mạng lưới thông tin giữa các nước trong khu vực để không còn , làm sao cho phí roaming (chuyển vùng) thấp, để tất cả có thể cảm nhận rằng ASEAN là ngôi nhà của mình, từ đó biến ASEAN thành một khu vực “phẳng”.
Thứ hai là việc thành lập Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) của ASEAN, bởi trong cuộc CMCN 4.0, kỹ năng ICT có vai trò quan trọng nhất. Thứ ba là tăng cường an ninh mạng, an ninh thông tin trong khu vực ASEAN.
“Chúng ta biết rằng cuộc sống và sự thịnh vượng của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào Internet. Tuy nhiên, Internet lại không an toàn. Điều quan trọng nhất với chúng ta trong tương lai là an ninh mạng. Sáng kiến này là mở và để chúng ta tiếp tục thảo luận”, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.