Quyền Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam Sebastian Eckardt: Chưa nên nới lỏng chính sách tiền tệ

Trâm Anh (ghi)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngân hàng Thế giới (WB) vừa nhận xét, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam gấp hơn 2 lần GDP là điều quan ngại.

Chia sẻ với phóng viên tại buổi họp báo công bố Báo cáo Cập nhật tình hình Kinh tế Việt Nam bán niên 2017 (chiều 13/7), ông Sebastian Eckardt - chuyên gia kinh tế trưởng, Quyền Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam khuyến nghị, Việt Nam có thể làm giảm những tiến bộ đạt được trong việc bình ổn nền kinh tế nếu nới lỏng chính sách tiền tệ lúc này.
WB đánh giá như thế nào về những giải pháp tín dụng hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 6 tháng cuối năm?

- Sản xuất 6 tháng đầu năm chuyển biến tốt, nông nghiệp phục hồi, bán lẻ ghi nhận tăng trưởng. Ngoài ra, doanh thu từ du lịch tăng, số liệu khả quan có nhiều động lực. Tuy nhiên, phải đảm bảo tăng trưởng chất lượng bền vững dựa trên động lực thị trường. Chính vì thế nếu đẩy mạnh tăng trưởng, mở rộng nới lỏng tín dụng và tài khóa lúc này theo tôi sẽ làm tăng nợ công. Mặc dù GDP với hàm lượng tín dụng cao sẽ hỗ trợ đẩy mạnh đầu tư nhưng có thể gây lo ngại về hiệu suất của tín dụng mới và khả năng định giá rủi ro chưa hợp lý. Tăng trưởng tín dụng quá nhanh có thể ảnh hưởng đến chất lượng cho vay, chất lượng tài sản, đặc biệt khi những rủi ro trên bảng cân đối liên quan đến nợ xấu được tích lũy những năm qua chưa được giải quyết triệt để.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây đưa ra khuyến nghị, Việt Nam nên giảm tăng trưởng tín dụng xuống thay vì mức 18% như đã đặt ra, ông có ý kiến gì về điều này?

- Tôi đồng tình với IMF, nếu tăng trưởng quá phụ thuộc vào khu vực ngân hàng sẽ rủi ro. Nền kinh tế dựa chủ yếu vào vốn ngân hàng đã là yếu kém, mà vốn ngân hàng phần lớn là vốn huy động ngắn hạn, thì rủi ro càng cao. Thị trường vốn của Việt Nam hiện nay chưa phát triển. Thị trường chứng khoán là cốt lõi của thị trường vốn, hỗ trợ tái cấu trúc cả hệ thống ngân hàng, nhưng đến nay sự cung ứng vốn của ngân hàng cao hơn rất nhiều lần cung ứng vốn của chứng khoán.

Khách hàng giao dịch tại chi nhánh HDbank Hà Nội. Ảnh: Hiền Nhân

Theo tôi hướng tới làm sao phát triển được thị trường vốn, huy động trên thị trường vốn để giảm áp lực cho ngân hàng. So với các quốc gia khác, tốc độ tăng tín dụng gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng GDP (theo giá hiện hành), đặc biệt vì tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam trên dưới 120% hiện đã là quá lớn, trong khi áp lực nợ xấu trong quá khứ còn chưa được giải tỏa đủ.

Gần đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện việc giảm lãi suất ở một số lĩnh vực, việc điều chỉnh này có gây áp lực cho thanh khoản hay làm tăng rủi ro tín dụng hay không, thưa ông?

- Cắt giảm lãi suất, ở đây NHNN Việt Nam mới yêu cầu giảm lãi cho vay nhưng chưa yêu cầu giảm lãi suất huy động (thông thường khi giảm đầu ra thì đầu vào cũng phải giảm) và nếu thắt chặt thì tiền gửi sẽ giảm. Với khối lượng nợ xấu như hiện nay, ngân hàng tiếp tục chịu áp lực huy động cao để đảm bảo luân chuyển vốn cũng như thanh khoản. Chính vì thế điều cần thiết hiện nay là duy trì sự an toàn của hệ thống ngân hàng.

Ông nhận xét thế nào về Nghị quyết giải quyết nợ xấu của Việt Nam. Nghị quyết này có tác động đến thị trường bất động sản hay không?

- Nghị quyết giải quyết nợ xấu là động thái tích cực, là chỉ báo tốt cho giải quyết nợ xấu ngân hàng. Tuy nhiên, tác động của nó như thế nào với tài sản thế chấp phải xem việc triển khai Nghị quyết thế nào khi áp dụng theo cơ chế thị trường. Còn quá sớm để nói về hiệu quả.

Vậy theo ông, tăng trưởng tín dụng như thế nào là phù hợp so với tốc độ tăng trưởng của GDP?

- Theo đánh giá của tôi, tăng trưởng tín dụng 18% là quá cao, có thể sẽ không đáng bù lại chi phí. Đầu tư trong nước còn tốt, chưa có lý do để kích cầu tín dụng. Tăng trưởng tín dụng cần cẩn trọng hơn, tôi đồng tình với con số mà IMF đưa ra là 15%. Như chúng tôi đã nói, tăng trưởng tín dụng phụ thuộc vào chất lượng vốn đổ vào ngành có năng suất cao, để đẩy mạnh tăng trưởng tiềm năng trong tương lai.

Báo cáo của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia dự báo tỷ giá ổn định, dòng ngoại tệ vẫn đang đổ vào hệ thống ngân hàng, WB dự báo thế nào về biến động tỷ giá cuối năm của Việt Nam?

- Về tỉ giá, chúng tôi cho rằng trong điều kiện kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động trong tương lai, ở hầu hết các quốc gia trong khu vực, WB luôn khuyến nghị quản lý tỉ giá linh hoạt để đối phó được những cú sốc bên ngoài. Những động thái gần đây của NHNN thay đổi tỷ giá là tốt.

Xin cảm ơn ông!

Thay vì tập trung yếu tố kích cầu tăng trưởng trong ngắn hạn Việt Nam nên tập trung vào chính sách cung, đối phó biến động sau này, năng lực trong tương lai để tạo đà tăng trưởng cao hơn.Trích báo cáo nhận định của WB

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần