Quyền tự do báo chí cần đi kèm trách nhiệm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quyền tự do báo chí được quy định rõ trong Hiến pháp, pháp luật, được tôn trọng và được bảo đảm trên thực tế. Ảnh: Anh Nhật

Ngày 10/7, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng (VHGDTNTN&NĐ) của Quốc hội đã tham vấn chuyên gia về Dự án Luật Báo chí (sửa đổi). Tại đây, nhiều ý kiến quan tâm đến các quy định về quyền tự do báo chí trong Dự Luật.

 
Quyền tự do báo chí được quy định rõ trong Hiến pháp, pháp luật, được tôn trọng và được bảo đảm trên thực tế. 	Ảnh: Anh Nhật
Kinhtedothi - Quyền tự do báo chí được quy định rõ trong Hiến pháp, pháp luật, được tôn trọng và được bảo đảm trên thực tế. Ảnh: Anh Nhật
Luật Báo chí đã được ban hành từ năm 1989 và được sửa đổi, bổ sung năm 1999. Sau 15 năm thi hành, trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, Luật Báo chí hiện hành không còn đáp ứng được yêu cầu phát triển của báo chí Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng, Dự Luật đã đề cập đến khá toàn diện những vấn đề về tổ chức, hoạt động báo chí, các loại hình báo chí, quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí, hợp tác quốc tế về báo chí, bản quyền báo chí… Đây là những vấn đề mà luật hiện hành chưa đề cập hoặc đề cập chưa đầy đủ, cụ thể.

Theo PGS.TS Trần Thị Tâm Đan - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ, việc có cả chương riêng quy định cụ thể về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức đối với vấn đề này chính là một điểm sáng trong Dự Luật. Nhưng việc công dân có thực hiện được quyền này hay không lại phụ thuộc rất nhiều vào ý thức trách nhiệm của cơ quan báo chí, đạo đức và năng lực của nhà báo. PGS.TS Trần Thị Tâm Đan cũng đề nghị nên đưa vào Dự Luật quy định việc tạo điều kiện cho nhà báo về cơ chế chính sách để nhà báo yên tâm thực hiện nhiệm vụ một cách khách quan, vô tư, trung thực. Cùng với đó, trách nhiệm kiểm tra, đảm bảo nội dung thông tin trên báo chí cần đề cập cụ thể đối với người đứng đầu cơ quan báo chí và người được cơ quan chủ quản cử trực tiếp chỉ đạo cơ quan báo chí.

Cũng quan tâm đến quy định về quyền tự do báo chí, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ cho rằng: Cần quy định đối tượng được thành lập cơ quan báo chí là "cơ quan và các tổ chức hợp pháp của Việt Nam", hàm ý bao gồm cả các tổ chức do tư nhân đứng ra thành lập. Dự Luật nên điều chỉnh cả hoạt động của nhà báo nước ngoài.

Đề cập đến vấn đề báo điện tử, nhà báo Hữu Thọ - nguyên Trưởng ban Tư tưởng văn hóa T.Ư đánh giá cao việc Dự Luật đã quy định về "Báo chí điện tử" là loại hình báo chí sử dụng chữ viết, hình ảnh, âm thanh được truyền dẫn trên môi trường mạng, bao gồm báo điện tử và tạp chí điện tử. Tuy nhiên, định nghĩa này chưa hoàn chỉnh, chưa phản ánh đúng hiện trạng hiện nay. Đưa ra một thực tế đang diễn ra đó là việc cắt, dán, cóp nhặt thông tin từ nhiều trang báo điện tử khác để ghép lại thành sản phẩm của mình, nhà báo Hữu Thọ đề nghị Dự Luật cần nghiên cứu để có thêm quy định nghiêm cấm các hành vi này.

 Nhiều ý kiến nêu ra vấn đề bản quyền trong hoạt động báo chí còn thiếu tác dụng thực tế và đây chính là nỗi nhức nhối lớn nhất của báo chí Việt Nam. Để góp phần khắc phục tình trạng này, phải loại bỏ khái niệm "trang tin điện tử tổng hợp" trong Dự Luật. Theo hướng này, chỉ có các cơ quan báo chí mới được quyền xuất bản các website có tính chất báo chí. Bổ sung vai trò trọng tài cho Hội Nhà báo Việt Nam trong các tranh chấp về bản quyền báo chí. Một số ý kiến đề nghị Dự Luật cần nghiên cứu có một khái niệm chung "Báo chí" là gì, trên cơ sở đó mới nêu các khái niệm "báo in", "báo nói"… sẽ chính xác và thuận lợi hơn, cách định nghĩa như Dự Luật vẫn có sự lẫn lộn với các loại hình báo chí. Cùng với đó, phải làm rõ những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí; quảng cáo trên báo chí; liên doanh, liên kết trong hoạt động báo chí; đối tượng được thành lập cơ quan báo chí; trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan chủ quản báo chí, quỹ phát triển báo chí…

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII, dự án Luật Báo chí sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2015) và thông qua tại kỳ họp thứ 11 (tháng 3/2016).