Nghị quyết đình chỉ tư cách thành viên của Nga do Mỹ đề xuất đã nhận được 93 phiếu thuận, 24 phiếu chống và 58 phiếu trắng. Hãng tin TASS cho biết, Nga coi quyết định này mang động cơ chính trị, dẫn tới những hậu quả tiêu cực cho hệ thống của LHQ.
Ngay sau kết quả bỏ phiếu, Bộ Ngoại giao Nga cho biết Moscow đã quyết định kết thúc sớm tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2021-2023. "Moscow coi nghị quyết trên là bước đi phi pháp và mang động cơ chính trị nhằm trừng phạt một cách ngang ngược một ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ vốn theo đuổi một chính sách đối nội và đối ngoại độc lập" - thông báo của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, mặc dù quyết định kết thúc sớm nhiệm kỳ của mình song Moscow sẽ tiếp tục đóng góp vào việc bảo vệ các quyền con người.
Tại Hội đồng Nhân quyền LHQ, việc đình chỉ tư cách thành viên là điều mới chỉ xảy ra với 1 quốc gia trong lịch sử - Lybia, vào năm 2011. Hội đồng Nhân quyền không đưa ra các quyết định ràng buộc về mặt pháp lý. Tuy nhiên, các nghị quyết này gửi đi các thông điệp chính trị quan trọng và tạo điều kiện cho các cuộc điều tra.
Trong một diễn biến khác, Liên minh châu Âu (EU) ngày 7/4 cho biết họ đã thông qua lệnh cấm vận đối với than đá nhập từ Nga, cũng như đóng cửa các cảng biển của khối đối với tàu của Nga.
Đây là lần đầu tiên châu Âu nhắm mục tiêu trừng phạt vào ngành năng lượng của Nga, lĩnh vực mà họ đang phụ thuộc nhiều vào Moscow. Các quốc gia EU nhập khẩu từ Nga 45% nhu cầu than của họ, trị giá khoảng 4,3 tỷ USD mỗi năm.
Các biện pháp trừng phạt mới đã được Ủy ban châu Âu đề xuất sau khi thi thể của hàng chục thường dân được tìm thấy vào cuối tuần trước ở thị trấn Bucha gần thủ đô Kiev. Phương Tây cáo buộc Nga đã thực hiện hành động "thảm sát dân thường", tuy nhiên Điện Kremlin bác bỏ.