Gần 2 năm sau khi thực hiện chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng, nỗ lực vực dậy nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới của Thủ tướng Abe mới đạt được những kết quả khá khiêm tốn. Vì thế, động thái bơm tiền vào nền kinh tế mà Ngân hàng T.Ư Nhật Bản (BOJ) vừa thực hiện khi mua 80.000 tỷ yên (704 tỷ USD) trái phiếu phần nào giúp Nhật Bản thoát khỏi tình trạng giảm phát. Tuy nhiên, đối với một nền kinh tế đã rơi vào trình trạng trì trệ suốt một thời gian dài, ông Abe phải kết hợp việc bơm tiền với các chính sách khác như khuyến khích tiêu dùng và đầu tư tư nhân. Chỉ có điều, chính sách 3 mũi tên của Abenomics nhằm nâng cao tỷ lệ lạm phát lên mức 2% vào năm 2015 đã bị bẻ cong sau khi chính phủ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ mức 5% lên 8%. Sau hơn 7 tháng áp dụng việc tăng thuế, thay vì chi tiêu, người Nhật lại thắt chặt hầu bao, nhất là trong bối cảnh chính phủ nhiều lần loan báo về kế hoạch tăng thuế tiêu thụ lần 2 lên mức 10% vào năm 2015. Trong một nỗ lực nhằm chấm dứt nỗi ám ảnh về thuế, kích thích người dân mua sắm, Thủ tướng Abe cho biết kế hoạch tăng thuế vào tháng 10/2015 sẽ được đẩy lùi đến tháng 4/2017. Tất nhiên, đây được coi là một quyết định mang tính sống còn, không chỉ đối với nền kinh tế Nhật Bản mà còn cả với tương lai chính trị của ông Abe. Hoãn tăng thuế giúp Thủ tướng xoa dịu sự thất vọng, bất mãn của cử tri trước những bê bối liên tiếp mà các bộ trưởng trong nội các Nhật Bản vướng phải. Nhưng nó đồng thời khiến gia tăng nợ công vốn đã ở mức cao kỷ lục tiếp tục phình to, gây nguy cơ cho nền kinh tế. Khi kịch bản xấu này xảy ra, ông Abe khó lòng có thể xoay chuyển được tình thế.