Quyết dọn sạch “rác” viễn thông

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong 2 năm vừa qua, Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) đã thực hiện nhiều hoạt động thiết thực nhằm xử lý tình trạng SIM kích hoạt sẵn. Số liệu thống kê cho thấy, trong thời gian qua, các nhà mạng đã thu hồi tới 26 triệu SIM rác. Tuy nhiên, thực tế từ đầu năm đến nay cho thấy SIM kích hoạt sẵn vẫn còn tồn tại trên thị trường. Đó lại là các SIM được đăng ký thông tin thuê bao hợp pháp. Điều này cho thấy việc quản lý thuê bao di động trả trước hiện vẫn còn lỗ hổng.

Tin nhắn rác gây phiền nhiễu cho khách hàng. Ảnh: Chiến Công
Vẫn chưa hết “rác” viễn thông
Với việc Nghị định số 91/2020/NĐ-CP về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác có hiệu lực từ ngày 1/10/2020, người dùng điện thoại di động đã có nhiều kỳ vọng về một môi trường viễn thông trong sạch, không còn những cuộc gọi rác hay tin nhắn rác. Tuy nhiên trên thực tế, những loại “rác” viễn thông này chỉ giảm bớt về số lượng cũng như tần suất chứ chưa thực sự bị triệt tiêu, vẫn còn nhiều người dùng bị làm phiền bởi vấn nạn này.

Không giống như các năm trước, từ đầu năm 2021 tới nay, nội dung của tin nhắn rác, cuộc gọi rác thay vì quảng cáo bất động sản, mở tài khoản ngân hàng… lại tập trung bán thực phẩm chức năng, dịch vụ du lịch… thậm chí có cả những “lời mời gọi” có dấu hiệu vi phạm pháp luật như làm bằng giả, giấy phép lái xe không cần thi hay cho vay tiền không cần thế chấp …

Chị Nguyễn Trang (quận Cầu Giấy), cho biết, từ đầu năm 2021 tới nay, mỗi tuần chị vẫn nhận được 2 - 3 tin nhắn hoặc cuộc gọi quảng cáo về các dự án bất động sản hoặc mời đi du lịch. Đã nhiều lần chị trả lời những số điện thoại gọi đến rằng mình không có nhu cầu nhưng chỉ một thời gian ngắn sau vẫn chính những cá nhân, tổ chức này lại liên hệ lại để quảng cáo dịch vụ của mình. Còn theo anh Trần Long (Đông Anh) phản ánh, cứ nghĩ sau những quy định mới được ban hành, tình trạng tin nhắn rác sẽ hạn chế song thời gian qua trung bình một tuần anh phải nhận tới 5 - 7 cuộc điện thoại cùng hàng chục tin nhắn với mục đích quảng cáo về bất động sản, bán thực phẩm chức năng, trong đó cũng có cả những tin nhắn sặc mùi “lừa đảo” như thông báo trúng thưởng… Cũng theo anh Long, mặc dù đã chặn số điện thoại gửi tin nhắn, thực hiện cuộc gọi nhưng chỉ vài ngày sau lại có số điện thoại khác nhắn tin và gọi điện với nội dung quảng cáo tương tự.

Nắm bắt được “rác” viễn thông là vấn nạn đã hành hạ người dùng từ nhiều năm nay, Hà Nội đã coi việc chặn đứng tin nhắn rác, cuộc gọi rác, tin quảng cáo sai quy định là nhiệm vụ bắt buộc nhằm mang lại một môi trường viễn thông trong sạch cho người dùng. Để cụ thể hoá mục tiêu trên, vào tháng 10/2020, Sở TT&TT Hà Nội đã cùng Cục Viễn thông và Cục Bưu điện Trung ương (Bộ TT&TT) ký kết “Chương trình phối hợp trong việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về Bưu chính, Viễn thông và hạ tầng số giai đoạn 2020 - 2025”. Qua đó Hà Nội sẽ có trợ giúp đắc lực từ phía Bộ TT&TT trong việc giải quyết vấn nạn tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Cụ thể, cơ quan chức năng có thể yêu cầu DN viễn thông có biện pháp kỹ thuật hiệu quả để ngăn chặn, đồng thời công tác thanh tra, kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính để bảo vệ quyền lợi người sử dụng dịch vụ được dễ dàng hơn.

Với tiền đề này, trong 6 tháng đầu năm 2021, Sở TT&TT đã có nhiều biện pháp xử phạt mạnh tay với các thuê bao phát sinh tin nhắn, cuộc gọi rác hoặc quảng cáo sai quy định. Trong đó, cơ quan chức năng đã phạt 1 cá nhân ở Long Biên 3,75 triệu đồng vì nhắn tin quảng cáo bất động sản sai quy định hay 2 DN 7,5 triệu đồng vì thực hiện hành vi gọi điện quảng cáo khi chưa được người dùng đồng ý. Bên cạnh đó, Sở TT&TT cũng thường xuyên tổng hợp các số điện thoại thực hiện nhắn tin rác, cuộc gọi rác và quảng cáo rao vặt sai quy định. Từ đó mời chủ thuê bao của các số điện thoại vi phạm lên xử lý vi phạm hành chính, nếu không chấp hành sẽ yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông tạm ngừng cung cấp dịch vụ 2 chiều (gọi đi và gọi đến) đối với các số điện thoại này.

Có quy trình xử lý cụ thể

Nói về quan điểm thẳng tay với “rác” viễn thông của Hà Nội, Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Thanh Liêm cho biết, ngay từ khi Nghị định số 91/2020/NĐ-CP có hiệu lực, Sở đã có văn bản gửi UBND các quận, huyện, thị xã, cơ quan báo chí của TP nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác đến người sử dụng dịch vụ viễn thông trên địa bàn. Bên cạnh đó là đề nghị các DN viễn thông xây dựng biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn vấn nạn này.

Bên cạnh đó, Sở TT&TT Hà Nội cũng thành lập tổ công tác triển khai Nghị định số 91/2020/NĐ-CP trên địa bàn TP với sự tham gia của Bộ TT&TT cùng lãnh đạo các DN viễn thông, internet, qua đó thiết lập cơ chế phối hợp nhanh nhờ ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời tăng cường tiếp nhận các phản ánh của người dùng, tổ chức về tin nhắn rác, cuộc gọi rác để tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định. Đáng chú ý, trong thời gian vừa qua, Sở TT&TT Hà Nội đã ban hành “Quy trình xử lý đối với các số điện thoại liên hệ trong các biển quảng cáo, rao vặt sai quy định và “Quy trình xử lý đối với các số điện thoại, số dịch vụ tin nhắn tin rác, thực hiện cuộc gọi rác” trên địa bàn Hà Nội. Đây được xem là văn bản cần thiết để quá trình xử lý “rác” viễn thông được thực hiện dễ dàng và nhanh chóng hơn.

Cụ thể, đối với quy trình xử lý số điện thoại rao vặt sẽ gồm 5 bước do Sở VH&TT, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện. Thống kê hoặc tiếp nhận thông tin về số điện thoại liên hệ trong biển quảng cáo, rao vặt sai quy định; Xử lý theo quy định khi mời chủ thuê bao đến làm việc tiến hành xử phạt vi phạm hành chính, khắc phục hậu quả, nếu không đến sẽ tạm ngừng cung cấp dịch vụ; DN cung cấp dịch vụ viễn thông thông báo tới chủ thuê bao có số điện thoại sai quy định; sau khi chủ thuê bao khắc phục hậu quả, cam kết không tái phạm và đề nghị khôi phục điện thoại sẽ được Sở TT&TT ra văn bản đề nghị DN cung cấp dịch vụ viễn thông khôi phục hoạt động (nếu có).

Tương tự đối với Quy trình xử lý đối với các số điện thoại, số dịch vụ tin nhắn ngắn nhắn tin rác, thực hiện cuộc gọi rác được thực hiện theo 6 bước: Tiếp nhận phản ánh về tin nhắn rác, cuộc gọi rác; Phân loại và xử lý; Nhắn tin thông báo đến chủ thuê bao; Xử lý vi phạm; Tạm ngừng cung cấp dịch vụ; Khôi phục hoạt động đối với các số điện thoại (nếu có).

Mỗi người dân cần tự trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng chống tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Khi nhận được các tin nhắn quảng cáo không mong muốn, người dân cần thông báo với DN cung cấp dịch vụ viễn thông, internet và cơ quan quản lý có thẩm quyền trong việc chống tin nhắn rác, cuộc gọi rác.

Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Thanh Liêm
Đưa số điện thoại vào danh sách không quảng cáo thông qua Tổng đài 5656: Với cú pháp “DK DNC gửi 5656”. Đây là tập hợp các số điện thoại của người dùng đã đăng ký không chấp nhận bất kỳ tin nhắn đăng ký quảng cáo, tin nhắn hay cuộc gọi quảng cáo nào. Các cá nhân, tổ chức có nhu cầu quảng cáo không được phép gửi tin nhắn hay thực hiện cuộc gọi có nội dung tương tự đến các thuê bao trong danh sách này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần