Quyết liệt hơn trong phòng, chống tham nhũng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại Hà Nội đã có nhiều chuyển biến, nhưng lãnh đạo TP thẳng thắn đánh giá "chưa đạt so với yêu cầu thực tế".

Còn nhiều lỗ hổng trong quản lý, việc kê khai tài sản, tự kiểm tra còn mang tính hình thức… khiến công tác này còn tiềm ẩn phức tạp, đòi hỏi nhiều giải pháp cùng quyết tâm cao hơn của cả hệ thống chính trị.

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng TP, để phòng ngừa tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có hiệu quả, TP đã nghiêm túc thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, từ chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, kê khai tài sản đến thanh tra, kiểm tra. Cụ thể, quận Hai Bà Trưng đã luân chuyển 90 cán bộ; quận Long Biên: 31 cán bộ; huyện Thanh Oai: 20 cán bộ; Sở KH&ĐT: 6 cán bộ... TP cũng đã thực hiện nghiêm các quy định về minh bạch tài sản và thu nhập, với tổng số phải kê khai là 32.274 cán bộ, trong đó 99,9% kê khai đạt yêu cầu. 

Cùng với đó, trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, 6 tháng đầu năm, thông qua việc tiết kiệm 10% chi thường xuyên, toàn TP đã tiết kiệm được hơn 462 tỷ đồng. Từ công tác thẩm định và giao dự toán chi thường xuyên, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đã tiết kiệm được hơn 12,4 tỷ đồng. TP cũng đã thực hiện 176 cuộc thanh tra, đã kết luận 105 cuộc, tập trung vào trách nhiệm của các đơn vị trong việc thực hiện công tác quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực như quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, GPMB, quản lý đầu tư xây dựng, tài chính ngân sách, đầu tư mua sắm tài sản… Dù hoạt động "tự kiểm tra nội bộ" không phát hiện có vi phạm, song qua thanh tra, cơ quan chức năng đã phát hiện sai phạm 153,6 tỷ đồng (trong đó kiến nghị thu hồi 143,6 tỷ đồng) và 3,6ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm 22 tập thể và 20 cá nhân buông lỏng quản lý dẫn đến sai phạm. Bên cạnh đó, qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, cơ quan chức năng đã kiến nghị điều chỉnh thu hồi 26 phương án bồi thường GPMB; bổ sung 2 phương án tái định cư; hủy 6 sổ đỏ đất nông nghiệp; thu hồi 10 sổ đỏ đất ở; thu hồi 6.950m2 đất; trả lại cho công dân 120 triệu đồng, hoàn trả diện tích 29.292m2  đất của các hộ dân; kiểm điểm trách nhiệm 26 cá nhân, 12 tập thể...

Đúng như Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo nhận định, mặc dù có chuyển biến, nhưng tình hình tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn Hà Nội vẫn phức tạp và tiềm ẩn, tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: Đầu tư xây dựng, quản lý sử dụng đất đai, công tác dồn điền đổi thửa, tài chính ngân sách. Lãng phí với phạm vi rộng, tính chất phức tạp, gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của Nhân dân. Tình trạng dự án "treo" nhiều năm gây bức xúc trong dư luận; công tác quản lý Nhà nước vẫn còn bộc lộ những sơ hở, thiếu sót, nhất là trong quản lý đất đai ở một số xã.

Những hạn chế này sẽ được TP tập trung khắc phục trong thời gian tới, cùng với việc triển khai quyết liệt Luật Phòng, chống tham nhũng, trọng tâm là tiếp tục thực hiện nghiêm túc công tác minh bạch tài sản, thu nhập theo quy định. TP cam kết tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử trong việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng. "Phải rà soát các quy định, quy chế quản lý, chú trọng chống lãng phí ngay từ khâu quy hoạch sử dụng đất đai, phê duyệt dự án. Đồng thời, phát huy vai trò giám sát cộng đồng, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu" - Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, và cho rằng, chỉ khi thực hiện đồng bộ các giải pháp quyết liệt, công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí mới có thể đạt hiệu quả thực chất.