Đây là nội dung của hội nghị triển khai Chỉ thị 08 của UBND TP về tăng cường quản lý dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm do Sở Y tế Hà Nội tổ chức sáng 25/5. Khó khăn vì văn bản chồng chéo Theo ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã tổ chức 766 đoàn thanh, kiểm tra gần 49.000 cơ sở, phát hiện 7.872 cơ sở vi phạm ATTP, trong đó phạt 2.736 cơ sở với số tiền hơn 13 tỷ đồng. Riêng Tháng hành động vì ATTP (diễn ra từ ngày 15/4 - 15/5), các lực lượng chức năng đã thanh, kiểm tra gần 12.000 cơ sở, xử phạt 978 cơ sở với số tiền hơn 3,3 tỷ đồng. Cũng theo ông Hoàng Đức Hạnh, tình hình vận chuyển, buôn bán, thực phẩm nhập lậu, không bảo đảm ATTP từ các địa phương khác vào Hà Nội tuy giảm so với trước, nhưng còn diễn ra trên địa bàn. Việc kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm rau, củ quả, kinh doanh tại các chợ, các điểm bán lẻ gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, nhân lực triển khai tại quận, huyện được phân công theo dõi về chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản đều kiêm nhiệm, thiếu cán bộ chuyên trách và chuyên môn phù hợp.
Lãnh đạo Sở Y tế cũng cho biết, một trong những khó khăn trong công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn hiện nay là việc quản lý đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Hiện tại, qua khảo sát vẫn còn 17% số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố không đạt các điều kiện ATTP. Đa số cơ sở có diện tích chật hẹp, nhiều cơ sở chưa quan tâm tới nguồn gốc thực phẩm, bán hàng cạnh cống rãnh thoát nước, không đủ dụng cụ đảm bảo vệ sinh, mua thực phẩm rẻ, vì lợi nhuận mà thiếu trách nhiệm với sức khỏe người tiêu dùng… Những tồn tại này là nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, trật tự văn minh đô thị. Là địa bàn triển khai mô hình điểm về thức ăn đường phố (phố Núi Trúc) và tuyến phố ATTP (phố Quán Thánh), quận Ba Đình cũng gặp không ít khó khăn trong công tác quản lý ATTP. Theo ông Phạm Hữu Tiệp – Giám đốc Trung tâm Y tế quận Ba Đình, nhiều quy định trong bộ tiêu chí về thức ăn đường phố của Bộ Y tế chưa rõ ràng, khiến ngành chức năng gặp không ít khó khăn trong kiểm soát ATTP. Đối với hàng ăn rong, ông Tiệp cho rằng, rất khó quản lý vì “cấm chỗ này, họ chạy sang chỗ khác”. Trong khi đó, Trưởng Phòng Y tế quận Cầu Giấy Nguyễn Đức Viên cho rằng, có trên 50 thông tư liên quan đến vấn đề ATTP, trong đó, nhiều thông tư nội dung chồng chéo nhau gây khó khăn trong quản lý. Ông Viên đề xuất Cục ATTP phối hợp với các ngành liên quan hợp nhất lại các thông tư để các đơn vị dễ thực hiện. Mạnh tay với thực phẩm bẩn Ông Hoàng Đức Hạnh cho biết, hiện, Sở Y tế đang trình UBND TP phê duyệt thành lập 5 đoàn thanh kiểm tra liên ngành về ATTP. Khi nhận được phản ánh của người dân qua đường dây nóng hoặc phản ánh của các cơ quan báo chí về cơ sở vi phạm ATTP, các đoàn liên ngành sẽ vào cuộc ngay lập tức, kịp thời xử lý sai phạm. Bên cạnh đó, nhằm tăng cường quản lý ATTP, UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành Chỉ thị 08 về việc tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Ông Trần Ngọc Tụ - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh TP Hà Nội cho biết, trong năm 2016, Hà Nội phấn đấu 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố được kiểm tra giám sát theo quy định, trên 95% cơ sở được xét nghiệm nhanh ATTP; trên 83% cơ sở tại các xã, trên 87% cơ sở tại các phường, thị trấn, tuyến phố điểm đạt tiêu chí ATTP… Ông Hạnh khẳng định, Hà Nội đã vào cuộc rất quyết liệt trong công tác quản lý ATTP, trong nhiều năm qua không xảy ra các vụ ngộ độc lớn. Từ nay đến cuối năm, TP tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra đột xuất. Xử lý nghiêm vi phạm ATTP, phối hợp chặt chẽ với liên ngành và giữa các tuyến TP, quận, huyện, thị xã trong vấn đề kiểm soát ATTP.
Lực lượng chức năng kiểm tra công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại một lò mổ trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Chiến Công |