Hà Nội phấn đấu đến năm 2015 có: 85% gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa; 55% làng, thôn, bản được công nhận và giữ vững danh hiệu Làng văn hóa; 50 - 55% trường học công lập đạt tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia; Mỗi quận, huyện đều có các trường mầm non, tiểu học chất lượng cao; 55% lao động qua đào tạo; Giảm hộ nghèo theo tiêu chuẩn mới bình quận 1,5 - 1,8%/năm; Xây dựng một số dự án về bảo tồn làng cổ (Đông Ngạc, Đường Lâm); di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại; di sản văn hóa thế giới; di sản tư liệu thế giới. Hoàn thành qui hoạch bảo tồn Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Nhà hát Thăng Long…. (Chương trình Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2011 - 2015) |
Công khai hóa việc kê khai tài sản
Tóm tắt các ý kiến thảo luận về nội dung này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo khẳng định, thời gian qua, Thành phố đã làm quyết liệt và đã hạn chế tham nhũng tại một số lĩnh vực nhạy cảm. Tuy nhiên, Chủ tịch cho rằng, công tác thanh tra PCTN, lãng phí mới chỉ dừng lại theo chương trình, chưa có những cuộc thanh tra đột xuất, thanh tra công vụ. Khi xử lý còn thiếu kiên quyết, chưa kịp thời…
Để thực hiện mục tiêu như trong chương trình đề ra, Chủ tịch nhấn mạnh đến các giải pháp phòng ngừa, ban hành thêm các văn bản PCTN trong các lĩnh vực đầu tư, đất đai và tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ công chức.
Thời gian tới, Thành phố chỉ đạo các sở, ngành chịu trách nhiệm đóng góp, tham gia cùng UBND xây dựng các cơ chế quản lý đầu tư… phát huy hiệu quả các hòm thư PCTN. Trong kê khai tài sản cá nhân sẽ công khai hóa tài sản, kiểm tra tính xác thực và có chế tài xử lý đối với những cán bộ công khai không trung thực. Tiếp đến là đẩy mạnh cải cách tiền lương hợp lý, bảo đảm đời sống cho cán bộ.
Đồng tình với các ý kiến về có chế tài khuyến khích và bảo vệ người đấu tranh PCTN, người tố cáo, theo Chủ tịch, Thành phố cũng có chế độ khen thưởng, động viên đối với những đơn vị, cá nhân làm tốt và phê bình, xử lý nghiêm đối với các đối tượng làm không tốt… Tăng cường qui chế phối hợp của các đơn vị trong đấu tranh PCTN.
Đẩy mạnh giáo dục truyền thống văn hóa
Thảo luận về dự thảo Chương trình Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, đa số các ý kiến đồng tình với các mục tiêu, giải pháp đưa ra trong dự thảo. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị nâng tỉ lệ cơ quan đạt danh hiệu cơ quan văn hóa để tương xứng với vị trí Hà Nội là Thủ đô đi đầu cả nước; đồng thời đề cao xây dựng nếp sống văn hóa ở cơ quan, đơn vị, tổ dân phố. Về xây dựng nguồn nhân lực, thành phố cần có cơ chế thỏa đáng thu hút người tài, như ngoài lương bổng, chế độ, quan trọng nhất là môi trường làm việc để nhân tài phát huy trí tuệ, cống hiến cho xã hội. Đối với việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, nhiều ý kiến cho rằng truyền thống "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An" là tinh hoa tích tụ từ hàng nghìn năm, từ trăm miền đất nước bồi đắp nên nét đẹp văn hoá Thăng Long - Hà Nội. Vì vậy, truyền thống này là đáng quí, mang đậm giá trị của sự lịch lãm, tinh tế, hào hoa, mềm mỏng, thông tuệ, nghĩa hiệp, nhân ái, tôn trọng kỉ cương, luật lệ và phép nước… do đó, trước mắt cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nét đẹp truyền thống, tạo chuyển biến trong nhận thức và thay đổi hành vi của mọi người.
Ông Nguyễn Văn Sửu Phó Chủ tịch UBND TP: Nên công khai các đơn vị dùng điện vượt định mức Lãng phí rất phổ biến, từ trong gia đình đến các đơn vị sản xuất. Đến các cơ quan thấy nhiều biển "No Smoking" chứ chưa thấy có biển tiết kiệm điện. Chúng tôi đã chỉ đạo EVN Hà Nội mạnh dạn đăng báo tên các đơn vị dùng điện vượt định mức. Ông Lê Văn Hoạt Phó Chủ tịch HĐND TP: Lãng phí làm mất niềm tin của dân Tham nhũng thực chất là lợi dụng chức quyền để trục lợi. Trục lợi bằng chiếm đoạt tài sản, bằng lòng tham chiếm đoạt tiền vốn của người dân thông qua nhũng nhiễu thực thi công vụ và công tác cán bộ. Lãng phí rất lớn. Lãng phí trong cấp đất, đầu tư, hội họp… lãng phí không chỉ mất tiền bạc mà còn mất cả niềm tin của nhân dân. Ông Trần Huy Sáng Giám đốc Sở Nội vụ: Khen xứng đáng, xử nghiêm minh Chương trình Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí rất quan trọng và có ý nghĩa. Tuy nhiên, để động viên những cá nhân có thành tích chống tham nhũng, tiêu cực cần bổ sung chế tài khen thưởng xứng đáng đối với người phát hiện và xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm. Hai là công khai tài sản cá nhân, gia đình "thực chất, chính xác". Cái gốc của tham nhũng là tiền lương thấp. Chúng ta đầu tư hiện nay chưa đúng với nguyên lý đầu tư. Khối lượng công việc tăng. Thu nhập thực tế lại giảm đi. Chủ thể quản lý của cả quá trình đầu tư đó chúng ta không chăm lo. Tham nhũng là từ đây và phải xử lý từ gốc. Ông Đào Xuân Mùi Bí thư Đảng bộ Khối các cơ quan TP: Tham nhũng là vì không công khai, minh bạch Lãng phí là do cơ chế, chính sách không sát với thực tế, còn tham nhũng là vì không công khai, minh bạch. Ví như, công tác quản lý đất đai. Mặc dù, đất đai là nguồn lực lớn và đặc biệt quan trọng, nhưng những thông tin về nguồn lực này còn quá ít, nhất là về qui hoạch chung, qui hoạch phân khu, thậm chí cả qui hoạch chi tiết. Phải tăng cường kiểm tra giám sát. Công khai hoá các địa chỉ, hòm thư điện tử, điện thoại để góp ý. Ông Khuất Văn Thành Bí thư Huyện ủy Hoài Đức: Tập trung cải cách hành chính để giảm lãng phí Chống lãng phí, phải tập trung làm tốt cải cách hành chính. Có những dự án sử dụng đất gần 200 ha, 5 - 6 năm nay chưa sử dụng. Lãng phí rất lớn. Dân đang cấy trồng thu hàng năm biết bao nhiêu vậy mà thu hồi rồi để hoang. Hay có dự án ban đầu chỉ 60 tỉ đồng, nhưng do triển khai quá lâu nên sau đó đã lên tới gần 100 tỉ đồng. Hàng năm, cấp ủy nên xây dựng chương trình kiểm tra về thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí. |