Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng

Quỳnh Hoa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa xuất bản cuốn sách với nhan đề "Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng".

Cuốn sách gồm 31 bài phát biểu, bài viết, trả lời phỏng vấn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tập hợp từ năm 2011 đến nay. Việc xuất bản cuốn sách cho thấy sự quyết tâm mạnh mẽ cũng như tinh thần quyết liệt, chỉ đạo sâu sát của người đứng đầu Đảng, Nhà nước đối với việc ngăn chặn và đẩy lùi nạn tham nhũng.
Không vùng cấm, không ngoại lệ
Trong phần thứ nhất, xuyên suốt trong các bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước với các cơ quan, ban, ngành như Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Ban Nội chính T.Ư, Ban Tổ chức T.Ư, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao... đều cho thấy sự chỉ đạo sát sao, cụ thể và nhất quán của người đứng đầu Đảng, Nhà nước, đồng thời nhắc nhở mỗi cơ quan, đơn vị, đặc biệt là mỗi cán bộ, đảng viên phải nâng cao trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, góp phần làm cho “Đảng ta, Nhà nước ta luôn trong sạch, vững mạnh; toàn hệ thống chính trị vững mạnh”.
 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước - Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên họp thứ 15.  Ảnh: Trí Dũng
Tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng ngày 5/5/2014, Tổng Bí thư đã chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân phải đấu tranh không khoan nhượng với “quốc nạn” tham nhũng, được ví như “giặc nội xâm” này: “Khi đã xảy ra tham nhũng thì nhất quyết phải xử lý kiên quyết, xử lý thật nghiêm, đúng quy định của luật pháp, không có vùng cấm”. “Chúng ta phải kiên quyết đấu tranh phát hiện và loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng ra khỏi bộ máy để làm cho Đảng trong sạch hơn”.
Tinh thần này được khẳng định khi từ đầu nhiệm kỳ khóa XII của Đảng đến nay, nhiều vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng, phức tạp, trong đó có những vụ án tồn tại từ nhiều năm trước, đã được điều tra làm rõ, xử lý nghiêm minh, công khai, đúng quy định của pháp luật. Nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp cao của Đảng, ở cả T.Ư và địa phương, các cấp, các ngành, trong lực lượng vũ trang,… bị phát hiện và xử lý, kỷ luật, cho thấy đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền.
“Chống” tham nhũng là quan trọng, cấp bách, song “phòng” tham nhũng mới là căn bản và lâu dài. Trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Việt Nam nhân dịp đầu năm mới Kỷ Hợi 2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, cùng với chống tham nhũng, chúng ta phải làm tốt, đồng bộ các giải pháp, hoàn thiện thể chế, chính sách, luật pháp để không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không còn muốn tham nhũng; phải “tuyên truyền, vận động để mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, không mắc vào tham nhũng, tiêu cực và khinh ghét, lên án hành vi tham nhũng, tiêu cực”.
Nhất quán chủ trương, lan tỏa cách làm, tạo sự đồng thuận
Phần thứ hai của cuốn sách là các bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại một số phiên họp Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng cho thấy quan điểm nhất quán là: “Ban Chỉ đạo cho ý kiến về chủ trương, đường lối… về yêu cầu chính trị, pháp luật, đối ngoại; chỉ đạo việc phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện… Ban Chỉ đạo không làm thay nhiệm vụ của các cơ quan chức năng”.
 Bìa cuốn sách ''Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng''.
Và trong mỗi phiên họp của Ban Chỉ đạo, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo đều phân tích rõ những việc Ban Chỉ đạo và các thành viên Ban Chỉ đạo đã làm được, những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, chỉ rõ những việc cần làm ngay. Phương pháp, cách thức làm việc của Ban Chỉ đạo cũng được quán triệt rõ, đó là: “Chúng ta làm bài bản, có phân công cụ thể, xác định thời gian hoàn thành và kết quả cụ thể; triển khai các công việc theo chương trình, kế hoạch, có sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, có vướng mắc thì kịp thời bàn bạc, tháo gỡ; rõ đến đâu xử lý đến đó, làm từng việc, làm việc trước tạo tiền đề cho việc sau; tất cả các cơ quan đều vào cuộc, kịp thời công khai thông tin, huy động sức mạnh toàn dân, hệ thống chính trị, nhân dân và báo chí”.
Tuy nhiên, cuộc chiến chống tham nhũng cùng với “chống” là “xây”, cùng với “đẩy lùi” là “ngăn chặn”, cùng với xử lý nghiêm minh, nghiêm khắc thì phải phòng ngừa, giáo dục, góp phần hạn chế tiêu cực, tham nhũng.
Tạo dựng lòng tin trong Đảng, trong dân
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cải cách bộ máy nhà nước các cấp, xây dựng đội ngũ cán bộ,… được quan tâm. Hệ thống các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng cũng được ban hành tương đối đầy đủ, tạo cơ sở chính trị, pháp lý đồng bộ, góp phần hình thành cơ chế phòng ngừa tham nhũng ngày càng chặt chẽ hơn, thể hiện rõ hơn tính răn đe, cảnh tỉnh với mọi hành động vi phạm kỷ luật, kỷ cương của Đảng và Nhà nước.
Tại Phiên họp thứ 15 Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, ngay đầu năm mới 2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu: “Tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn, không được bằng lòng với những kết quả đã đạt được, mà phải kiên trì đẩy mạnh, tiếp tục làm với một quyết tâm cao hơn, mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới”. Đó cũng chính là lời nhắc nhở của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tới toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trước thềm Xuân mới Kỷ Hợi 2019: Đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng không chỉ là một “cao trào”, không thể “chững lại”.
Những kinh nghiệm, những kết quả đạt được, nhất là sự chỉ đạo trách nhiệm, sâu sát, quyết liệt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng là cơ sở để chúng ta tin tưởng, cùng với quyết tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác phòng, chống tham nhũng thời gian tới sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực hơn; góp phần xây dựng Đảng ta, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh; vì uy tín của Đảng, vì sự phát triển của đất nước, vì ý nguyện và hạnh phúc của Nhân dân.

PSG, TS Nguyễn Trọng Phúc – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng:

Cuốn cẩm nang quý cho các cấp ủy và đảng viên: "Cuốn sách "Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng" thực sự là một cuốn sách quý, một cuốn cẩm nang quan trọng trong giai đoạn hiện nay khi công tác phòng chống tham nhũng đang được đẩy mạnh. Cuốn sách đã hệ thống hóa các chỉ đạo, quan điểm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, cũng là những quan điểm chỉ đạo của Đảng, từ đó thống nhất trong nhận thức, chuyển biến hơn nữa trong hành động thực tiễn.

Những chỉ đạo, phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, cũng như thực tế có thể thấy, kết quả công tác phòng chồng tham nhũng đã thành công đáng kể, để lại những dấu ấn lớn, từ số vụ việc, quy mô, cách thức xử lý, số lượng cán bộ đảng viên bị xử lý… Nhưng cũng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nói, cuộc chiến đấu tranh phòng chống tham nhũng còn rất cam go, gian khổ và lâu dài, không phải của riêng một người, một cơ quan hay một ngành, mà là công việc của toàn Đảng, toàn dân, đòi hỏi sự kiên quyết, kiên trì, bền bỉ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Nhưng sẽ không chùng xuống, chùn lại hay mệt mỏi.

Với cuốn sách lần này, một lần nữa sẽ tiếp thêm quyết tâm, nhận thức và thúc đẩy toàn Đảng, toàn dân cùng vào cuộc. Theo tôi, cuốn sách nên được phát hành sâu rộng đến toàn đảng, toàn dân, đặc biệt cũng phải có trọng điểm, đó là những nơi dễ phát sinh tham nhũng, từ đó, tiếp tục tạo ra những chuyển biến lớn trong thực tiễn." (Trần Hà ghi)