Quảng Trị là vùng đất giàu trầm tích văn hóa, truyền thống yêu nước và cách mạng, có vị trí chiến lược quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quảng Trị là nơi địa đầu giới tuyến, nơi đối đầu quyết liệt giữa ta và địch trên các mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao, là hình ảnh thu nhỏ của cuộc kháng chiến đầy hy sinh gian khổ của Nhân dân ta. Bằng cuộc tổng tiến công chiến lược, hướng chủ yếu mặt trận Trị-Thiên năm 1972, quân và dân ta đã bất ngờ tấn công, vây ép và tiêu diệt một loạt căn cứ của quân đội Sài Gòn từ Bắc Đường 9 đến Đông Hà, Ái Tử và thị xã Quảng Trị, đập tan hệ thống phòng ngự “lá chắn thép” kiên cố nhất của Mỹ-ngụy ở miền Nam, đưa Quảng Trị trở thành tỉnh đầu tiên của miền Nam được giải phóng.
Thắng lợi của chiến dịch giải phóng Quảng Trị và cuộc chiến đấu kiên cường chống địch phản kích, bảo vệ thị xã và Thành Cổ Quảng Trị của quân và dân ta đã tác động trực tiếp, làm thay đổi cục diện trên chiến trường miền Nam, giáng một đòn mạnh mẽ vào âm mưu đàm phán trên thế mạnh của kẻ thù, buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Pari, rút quân về nước; tạo nên thế và lực mới, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn.
Ngược dòng thời gian 50 năm trước, một chặng đường nửa thế kỷ với bao khó khăn, thử thách, từ sau ngày quê hương giải phóng, Quảng Trị là một trong những địa phương khó khăn nhất của cả nước, hậu quả chiến tranh để lại hết sức nặng nề với trên 95% làng mạc bị tàn phá, hủy diệt, là một trong những địa phương bị ô nhiễm bom mìn lớn nhất cả nước chiếm 82% tổng diện tích toàn tỉnh theo khảo sát của Bộ Quốc phòng; thêm vào đó thiên tai lũ lụt, hạn hán thường xuyên xảy ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống Nhân dân.
Đứng trước muôn vàn khó khăn, Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị tập trung xây dựng, củng cố và bảo vệ chính quyền cách mạng, chăm lo nơi ăn chốn ở, ổn định đời sống Nhân dân, khắc phục vết thương chiến tranh. 13 năm hợp nhất trong mái nhà chung Bình Thị Thiên, các địa phương trong tỉnh đã tập trung khôi phục, phát triển KT-XH, rà phá bom mìn, khai hoang phục hóa, vượt qua khó khăn của thời kỳ bao cấp, tìm bước đi thích hợp, gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với tăng cường củng cố hệ thống chính trị, quốc phòng- an ninh để quê hương ổn định và phát triển.
Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI và đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, từ sau ngày tỉnh Quảng Trị được lập lại, với tình yêu quê hương tha thiết, khát vọng vì một Quảng Trị phát triển đã gắn kết đồng chí, đồng đội, gắn kết cán bộ với Nhân dân, tạo nên sức mạnh hướng về phía trước, Đảng bộ, chính quyền và các thế hệ lãnh đạo tỉnh đã tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương, các nguồn ngoại lực, đồng thời phát huy cao độ yếu tố nội sinh, nhận diện tiềm năng, lợi thế cho yêu cầu phát triển căn bản và dài hạn, đưa ra những quyết định chính trị đúng đắn qua mỗi kỳ đại hội, lựa chọn diện, điểm để đột phá, xác định những lĩnh vực cần ưu tiên, chủ động tìm tòi để tạo điều kiện cần và đủ nhằm đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn đang đặt ra với mục tiêu đưa Quảng Trị vượt qua thử thách và phát triển bền vững.
Từ năm 1989 đến nay, nền kinh tế của tỉnh liên tục tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân đạt 7,8%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Quy mô nền kinh tế tăng 190 lần; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 10 lần; tổng thu ngân sách địa phương tăng hơn 300 lần so với năm 1989. Năm 2021, trong bối cảnh khó khăn chung do ảnh hưởng của COVID-19 nhưng tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh đạt 6,5%, xếp thứ 3 trong 14 tỉnh, thành vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và thứ 18 trong cả nước.
Nông nghiệp đạt những kết quả khá toàn diện từ khả năng tận dụng và khai thác lợi thế của từng vùng, miền. Những năm gần đây, tỉnh đã tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, tạo chuỗi liên kết để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh đã được tổ chức chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, được công bố chỉ dẫn địa lý, có chỗ đứng trên thị trường nội địa và xuất khẩu như gạo hữu cơ và các sản phẩm organic Quảng Trị, cà phê Arabica Khe Sanh, tiêu Cùa...
Nhiều diện tích đất trống, đồi núi trọc do hậu quả chiến tranh đã được phủ xanh bởi những cánh rừng trồng. Năm 2007, Quảng Trị là tỉnh đầu tiên trong cả nước áp dụng trồng rừng theo tiêu chuẩn quản lý bền vững của thế giới (chứng chỉ FSC) và đến nay diện tích rừng FSC trên “miền đất lửa” đạt 23.000ha, chiếm 12% tổng diện tích của cả nước. Bộ mặt nông thôn khởi sắc, đời sống nông dân trong tỉnh được cải thiện và từng bước nâng cao, khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị ngày càng thu hẹp.
Bên cạnh những thành tựu ấn tượng trên lĩnh vực nông nghiệp, quá trình hiện thực hóa niềm tin “Nhà máy mới mọc trên chiến hào” như lời bài hát của cố nhạc sĩ Trần Hoàn, một người con của quê hương Quảng Trị là một quá trình khó khăn, vất vả nhưng đã có những quả ngọt đầu mùa. Từ chỗ trắng về công nghiệp, theo dòng thời gian, ngày càng nhiều những công trình, dự án về công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến được triển khai, đem lại cho quê hương một diện mạo mới.
Đến nay, đã hình thành và đưa vào hoạt động 3 khu công nghiệp, 15 cụm công nghiệp, 7.770 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trong đó có nhiều cơ sở quy mô khá lớn, tạo ra các thương hiệu uy tín trên thị trường trong và ngoài nước từ nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương, kết nối và nâng cao chuỗi giá trị cho sản xuất hàng hóa trong tỉnh. Được sự quan tâm của Trung ương về cơ chế, chính sách, nguồn lực, tỉnh đã vận động được nhiều nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước đến nghiên cứu và triển khai các dự án có quy mô lớn như như Tập đoàn T&T, Vingroup, Bitexco, Liên doanh Sembcorp-Amata-Sumitomo…
Cách đây khoảng 20 năm, những người lạc quan nhất cũng khó hình dung khi ngọn gió Tây Nam khắc nghiệt và cái nắng mùa hè rát bỏng từng là nỗi ám ảnh của mảnh đất Quảng Trị, nay lại trở thành một nguồn lợi kinh tế có tiềm năng to lớn, bắt nguồn từ thay đổi trong tư duy “biến cái bất lợi thành tiềm năng phát triển”. Đến nay đã có 19 dự án điện gió, 3 dự án điện mặt trời và 11 dự án thủy điện được đưa vào vận hành thương mại, đưa tổng công suất nguồn điện trên địa bàn tỉnh đạt 965,6MW. Công nghiệp năng lượng đã hiện hữu trên vùng đất đầy nắng, gió và Quảng Trị đang vươn lên trở thành Trung tâm năng lượng của khu vực miền Trung.
Không chỉ là cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng, thương mại-dịch vụ đã vươn lên trở thành ngành kinh tế quan trọng, có đóng góp lớn cho ngân sách, giải quyết nhiều việc làm cho xã hội. Du lịch có bước phát triển hướng tới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; hạ tầng các khu, cụm, điểm du lịch được quan tâm đầu tư. Nhiều di tích lịch sử cách mạng và danh thắng cảnh được trùng tu, tôn tạo, khôi phục và giữ gìn, khai thác phục vụ du lịch. Những địa danh Cồn Tiên, Dốc Miếu, cầu Hiền Lương-sông Bến Hải, Thành Cổ, địa đạo Vịnh Mốc, đảo Cồn Cỏ của một thời hoa lửa năm xưa, nay là điểm đến của du lịch hòa bình và hữu nghị.
Đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông được chú trọng. Đến nay, tỉnh đã xây dựng được một mạng lưới giao thông rộng khắp kết nối thành thị với nông thôn, đồng bằng với miền núi, hình thành những miền quê đáng sống, những làng nông thôn mới kiểu mẫu. Đôi bờ của những dòng sông một thời hoa lửa được kết nối bằng những cây cầu: Cửa Tùng, Cửa Việt, Thạch Hãn, Hiếu Giang... Đường 9 năm xưa “gọi ta đi đánh giặc” nay được nâng cấp, mở rộng thành con đường Xuyên Á, kết nối Thái Bình Dương với các nước Tiểu vùng sông Mê Kông (GMS) rộng lớn. Hệ thống hạ tầng đô thị, y tế, giáo dục, công trình phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao, cơ sở nghiên cứu khoa học-công nghệ được đầu tư đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân và phục vụ mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh.
Một nền kinh tế đi lên từ con số âm sau chiến tranh, một nền kinh tế manh mún, lạc hậu khi mới lập lại tỉnh nay đã có sự phát triển toàn diện và có những mũi đột phá, hiệu quả trên tiềm năng, thế mạnh riêng có..., là bước tiến vượt bậc của tỉnh. Nhiều chỉ tiêu văn hóa-xã hội của tỉnh đạt cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể được quan tâm. Triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, ưu tiên tập trung các nguồn lực đầu tư của Chính phủ và của tỉnh cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Công tác giảm nghèo và an sinh xã hội được thường xuyên chăm lo thực hiện tốt.
Với đặc thù là địa phương có số lượng thương binh, liệt sĩ và người có công khá lớn, chiếm tỉ lệ trên 20% so với dân số trong toàn tỉnh, tỉnh Quảng Trị đặc biệt quan tâm công tác đền ơn đáp nghĩa, xem đây là nhiệm vụ quan trọng của hệ thống chính trị và đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện tốt, ưu tiên dành mọi nguồn lực để chăm lo về đời sống, vật chất đối với người có công.
Đến nay, tỉnh Quảng Trị đã cơ bản giải quyết nhà ở cho các đối tượng là Bà mẹ Việt Nam anh hùng, bố mẹ liệt sĩ, thương binh các hạng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhà tạm bợ, dột nát; 99% hộ gia đình chính sách trong tỉnh có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình ở khu dân cư, đời sống vật chất và tinh thần của các đối tượng chính sách ngày càng được cải thiện. Với 72 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có 2 nghĩa trang liệt sĩ quốc gia; tỉnh vinh dự được chăm sóc gần 60.000 mộ liệt sĩ là con em của các tỉnh, thành phố trong cả nước trên tinh thần Quảng Trị vì cả nước.
Là địa bàn trọng yếu về quân sự, quốc phòng, xác định quan điểm thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng-an ninh sẽ tạo môi trường và điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, hiệu quả việc phối hợp phát triển kinh tế-xã hội với củng cố quốc phòng-an ninh; thường xuyên chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, an ninh chính trị được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc; phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, biển, đảo. Tăng cường quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế, nhất là thường xuyên củng cố, vun đắp mối quan hệ hữu nghị đặc biệt với 2 tỉnh Savannakhet và Salavan của nước bạn Lào.
Chiến tranh đã lùi xa, đất nước, quê hương và con người đều trải qua nhiều đổi thay. Những thành tựu nửa thế kỷ tái thiết, xây dựng, đổi mới và phát triển quê hương Quảng Trị có thể còn khiêm tốn so với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước nhưng so với Quảng Trị đã thực sự là điều diệu kỳ; đó là kết tinh của mồ hôi và nước mắt, của trí tuệ và bản lĩnh, của khát vọng và tâm huyết trên mảnh đất nhiều gian nan, lắm thử thách nơi khúc ruột miền Trung này. Để có được những thành công ban đầu ấy, Quảng Trị trân trọng sự quan tâm, giúp đỡ của trung ương và các tỉnh, thành trong cả nước, sự đồng lòng, nỗ lực của toàn thể Nhân dân, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên.
Trong tất cả các nhiệm kỳ, Đảng bộ tỉnh thường xuyên coi trọng xây dựng khối đoàn kết, nâng cao vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, năng lực hoạt động và hiệu quả điều hành của HĐND, UBND tập trung hướng về cơ sở, coi trọng khâu tổ chức thực hiện. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội ngày càng chuyển biến tích cực theo hướng gần dân, sát dân. Đảng bộ tỉnh đã phát huy cao độ tinh thần cách mạng tiến công, một Đảng bộ của lòng dân, lấy giá trị lịch sử và truyền thống làm động lực phát triển.
Chúng tôi thấm thía lời nhắn gửi tâm huyết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một lần vào thăm Quảng Trị, rằng: “Ngoài những tiềm năng sẵn có thì với Quảng Trị truyền thống cách mạng anh hùng cũng là một nguồn lực, động lực để thúc đẩy phát triển. Tỉnh Quảng Trị đã anh hùng trong chiến đấu phải thành công trong kiến thiết, dựng xây... Đảng bộ tỉnh từng được tôi luyện qua thử thách, phải thực sự là hạt nhân, là đầu tàu, phải là một “lũy thép” vững vàng, đoàn kết thống nhất cao để đưa QuảngTrị bứt phá đi lên...”
Phát huy truyền thống anh hùng cách mạng và những thành tựu đạt được sau 50 năm giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Trị tiếp tục nỗ lực ra sức phấn đấu khắc phục những hạn chế, bất cập; thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19 để tạo bước chuyển mạnh mẽ trong phát triển KT-XH; huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân; xây dựng Đảng bộ tỉnh trong sạch, vững mạnh, hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phấn đấu xây dựng Quảng Trị trở thành tỉnh có trình độ phát triển trung bình cao của cả nước vào năm 2025 và tỉnh khá vào năm 2030 như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định.
Theo đó, trong năm 2022, tỉnh quyết tâm hoàn thành xây dựng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 một cách căn cơ, bài bản, có mũi đột phá chiến lược để khơi thông các điểm nghẽn. Thực hiện quy hoạch tốt sẽ tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển nhanh, cân đối, hài hòa trên cơ sở bố trí lại dân cư, sản xuất, lao động ngành nghề một cách hợp lý và bền vững.
Tập trung đẩy mạnh thực hiện ba nhiệm vụ đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; cải thiện môi trường đầu tư và khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư xã hội, nhất là các giải pháp thu hút đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng.
Tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH, nhất là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, phát huy hiệu quả các huyết mạch giao thông trọng điểm quốc gia đang và sẽ đầu tư đi qua địa bàn Quảng Trị. Gắn kết các tuyến đường bộ quốc gia với các tuyến đường tỉnh, gắn phát triển giao thông với hình thành các khu đô thị mới, khu sản xuất tập trung, khu công nghiệp, hạ tầng dịch vụ logistics. Đẩy nhanh việc triển khai các công trình, dự án trọng điểm để đóng góp mới vào tăng trưởng kinh tế. Chuẩn bị các điều kiện về đất đai, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực để sẵn sàng đón nhận các nhà đầu tư trong thời gian tới.
Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa-xã hội, phát huy giá trị và sức mạnh văn hóa, con người Quảng Trị, tạo sự phát triển hài hòa và bền vững. Nâng cao chất lượng giáo dục, y tế; đảm bảo công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nhất là đối với gia đình chính sách, người có công với cách mạng, đồng bào nghèo, người dân tộc thiểu số.
Để phát triển nhanh và bền vững, bên cạnh lựa chọn hướng đi và cách làm phù hợp cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đồng tâm, hiệp lực, đồng bộ đổi mới sáng tạo trong thực thi chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đưa nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống với một tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Phát huy dân chủ, sức sáng tạo và tinh thần cống hiến của cán bộ, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Giữ vững kỷ luật, kỷ cương, kiên quyết xóa bỏ các điểm nghẽn, lực cản đối với sự phát triển.
Với bề dày lịch sử, văn hóa và truyền thống cách mạng của quê hương Quảng Trị anh hùng, cùng với những thành quả đã tạo dựng được, những kinh nghiệm quý báu của các thế hệ đi trước trên chặng đường sắp tới, đón nhận những vận hội, thời cơ mới, với ý chí, niềm tin và khát vọng đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Trị nguyện đoàn kết một lòng, đồng thuận, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng và phát triển Quảng Trị trở thành tỉnh trong nhóm trung bình cao của cả nước vào năm 2025, tỉnh khá vào năm 2030.
Thiết kế: Ngọc Minh
09:00 02/05/2022