Quyết tâm xây dựng Nam Từ Liêm thành trung tâm mới của Hà Nội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là một quận mới của Thủ đô Hà Nội, được thành lập theo Nghị quyết số 132/NQ-CP ngày 27/12/2013 của Chính phủ, hơn một năm qua, Đảng bộ và chính quyền các cấp của quận Nam Từ Liêm đã không ngừng phấn đấu, quyết tâm xây dựng quận trở thành một trung tâm mới của TP, là một đô thị phát triển nổi bật của Thủ đô Hà Nội.

Xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại

Những ước mơ, khát vọng đó đã được cụ thể hóa bằng hành động, đó là sự cố gắng của cán bộ lãnh đạo quận, là sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân, Đảng bộ và chính quyền quận Nam Từ Liêm. Bên cạnh đó, dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn tích cực từ phía Thành ủy, UBND TP và các sở, ngành, quận Nam Từ Liêm đã gặt hái được những thành tích rất đáng tự hào. Năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015, Quận đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng được giao. Để định hình hướng đi cho những năm tiếp theo, Đảng bộ và chính quyền quận tiếp tục xác định: Nam Từ Liêm tuy là một quận mới thành lập nhưng có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc tiếp tục đổi mới lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành mang tính chất nông thôn, làng xã để tiến tới một bộ máy chính quyền đô thị.
Khu đô thị Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm. 	Ảnh: Chiến Công
Khu đô thị Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Chiến Công
Nhìn lại thực tế những năm trước đây có thể nhận thấy huyện Từ Liêm là nơi phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội mạnh mẽ nhất trong khối huyện của TP  Hà Nội. Nhiều năm liên tiếp, huyện Từ Liêm là đơn vị được TP khen thưởng cờ thi đua xuất sắc nhất. Các dự án và các khu đô thị hiện đại được đầu tư mạnh đã dần dần làm thay đổi vùng đất phía Tây của Thủ đô. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, quận Nam Từ Liêm đã kế thừa truyền thống trước đó và phát huy cao hơn nữa đà tăng trưởng để phấn đấu sánh vai với các quận trong nội đô TP trong việc tạo lập một môi trường đáng sống, đáng để thu hút đầu tư phát triển. Để có thể thực hiện được như vậy, đối với bất kỳ một đô thị nào phát triển cũng đòi hỏi phải có hạ tầng kỹ thuật theo hướng đồng bộ và hiện đại. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng bộ, chính quyền quận trong những năm tiếp theo sẽ chú trọng và đầu tư công sức để thực hiện. Bởi theo quy luật phát triển đô thị thì hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hệ thống giao thông phát triển đến đâu thì kinh tế - văn hóa - xã hội sẽ phát triển đến đó, tạo điều kiện “khai sáng” những vùng dân cư đầy tiềm năng của quận, góp phần phát triển kinh tế - văn hóa của quận Nam Từ Liêm nói riêng và của TP Hà Nội nói chung.

Tuy nhiên, đi đôi với việc đầu tư xây dựng các tuyến đường mới thì công tác tăng cường quản lý đô thị, quản lý đất đai và trật tự xây dựng hai bên những tuyến đường mới mở là nhiệm vụ được Đảng ủy, UBND quận đặc biệt chú trọng. Chính vì vậy, sau hơn một năm quyết liệt triển khai thực hiện chủ đề “Năm trật tự và văn minh đô thị”, quận đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đó là việc tăng cường công tác tổ chức xử lý vi phạm trật tự xây dựng; Quản lý chặt chẽ việc bán hàng, quán trên các tuyến phố chính;...

Quyết liệt thực hiện “Năm trật tự văn minh đô thị”, giải phóng mặt bằng

Có thể khẳng định, bằng các biện pháp tăng cường tuyên truyền, xử lý vi phạm, sai phạm một cách kiên quyết…
Khu đô thị Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm.
Khu đô thị Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm.
Đến nay, trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, ý thức của tổ chức, cá nhân về vấn đề “Trật tự và văn minh đô thị” đã được nâng cao. Tuy nhiên, chưa bằng lòng với kết quả ấy, quận Nam Từ Liêm tiếp tục yêu cầu các cơ quan, đơn vị, trường học tăng cường tuyên truyền các quy định về an toàn giao thông, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường. Trong đó, tiếp tục coi trọng công tác vận động Nhân dân tại cơ sở thực hiện tốt các phong trào như “toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội”. UBND quận cũng chỉ đạo các phường thường xuyên tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng không phép, sai phép, lấn chiếm đất công, xây dựng trên đất nông nghiệp; kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình vi phạm bán hàng rong trên tuyến phố cấm, các hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, đất công, hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, giao thông, lưới điện... làm nơi kinh doanh buôn bán hoặc xây dựng nhà ở; yêu cầu xây dựng các tuyến phố điểm để triển khai công tác “trật tự và văn minh đô thị”. Các tổ dân phố, khu dân cư, hộ gia đình, cá nhân tiếp tục duy trì nếp sống văn hóa ở khu dân cư; đổ rác đúng nơi quy định, không vứt rác, xả rác ra đường và ở nơi công cộng, xây dựng nếp sống văn minh, lịch sự.

Cùng với việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, UBND Quận cũng rất quan tâm đến việc xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng xã hội phục vụ Nhân dân trên địa bàn. Từ sau khi thực hiện Nghị quyết 132/NQ-CP ngày 27/12/2013 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm để thành lập 2 quận và 23 phường mới thuộc TP Hà Nội, UBND quận Nam Từ Liêm đã rất tích cực trong công tác rà soát, kiểm tra các quỹ đất công, đất xen kẹt và quỹ đất chưa xây dựng theo quy hoạch trên địa bàn để đầu tư xây dựng các công trình công cộng cho các phường. Cùng với việc kiện toàn, sắp xếp lại các tổ dân phố theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tại Đề án số 06-ĐA/TU ngày 24/9/2013, UBND quận xác định, mỗi tổ dân phố khi thành lập nhất thiết phải có một điểm sinh hoạt cộng đồng phục vụ dân cư trên địa bàn tổ. Do vậy, dưới sự chỉ đạo sát sao của tập thể lãnh đạo UBND quận, cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện của UBND TP và các Sở, ngành, đến nay chỉ sau một năm đi vào hoạt động, UBND quận đã đề xuất và được chấp thuận khoảng hơn 50 địa điểm lập dự án đầu tư xây dựng mới, tập trung vào các lĩnh vực như Trụ sở làm việc UBND phường, Trụ sở đồn Công an và Ban chỉ huy quân sự phường, Trạm y tế phường, Trung tâm văn hóa - thể thao phường, Trường học công lập các cấp, Chợ dân sinh, Nhà văn hóa cho các tổ dân phố... Dự kiến đến năm 2020, toàn quận về cơ bản sẽ bố trí hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội phục vụ Nhân dân.

Muốn đạt được như vậy, ngoài việc thỏa thuận địa điểm với các sở, ngành, Chủ đầu tư các dự án ngoài ngân sách, UBND quận đặc biệt quan tâm đến công tác giải phóng mặt bằng các quỹ đất công bị người dân lấn chiếm, xây dựng và sử dụng trái phép. Theo lãnh đạo quận Nam Từ Liêm, giải phóng mặt bằng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm Quận quyết liệt thực hiện: “Nếu không GPMB được thì rất khó để phát triển kinh tế - xã hội. Kinh nghiệm tại nhiều địa phương, một số mục tiêu không đạt được là do những vướng mắc trong công tác GPMB” - đại diện lãnh đạo quận Nam Từ Liêm cho biết. Vì thế, năm 2015 được UBND quận chọn chủ đề là “Năm giải phóng mặt bằng”. Đến nay, quận đã GPMB được khoảng 100 dự án với diện tích trên 306,2ha. Nhiều dự án mang tính “lịch sử” như dự án đường Dịch Vọng - Phú Mỹ - Cầu Diễn, dự án Ngân hàng Chính sách xã hội… đã được triển khai, hoàn tất nhờ “tháo” được “nút thắt” là công tác GPMB.

Ghi nhận những kết quả công tác trong mọi mặt của tập thể lãnh đạo và cán bộ UBND quận Nam Từ Liêm, đầu năm 2015, UBND quận đã vinh dự đón nhận Cờ thi đua xuất sắc do UBND TP trao tặng cho Nhân dân và cán bộ quận Nam Từ Liêm. Đây là phần thưởng xứng đáng, kịp thời mà UBND TP trao cho quận, là sự động viên về tinh thần để Nhân dân và cán bộ quận tiếp tục kế thừa, phát huy những truyền thống tốt đẹp những năm qua và là động lực để phấn đấu nhiều hơn nữa, hướng tới sự phát triển bền vững cho quận Nam Từ Liêm nói riêng và TP Hà Nội trong tương lai.