70 năm giải phóng Thủ đô

Ra đề thi không thể tùy hứng

Thu Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, việc một trường THPT của tỉnh Vĩnh Phúc đưa đoạn trích bài hát “Lạc trôi” của Sơn Tùng M-TP vào đề thi môn Ngữ văn một lần nữa lại làm dấy lên những tranh luận.

Nhiều ý kiến cho rằng, đề ra theo hướng "mở" là tốt, nhưng phải mang tính định hướng, giáo dục nhân cách, phẩm chất cho học sinh (HS).
Chưa mang tính giáo dục

Đề thi của trường THPT chuyên Vĩnh Phúc đưa một đoạn trích trong bài hát “Lạc trôi” và yêu cầu HS trả lời các câu hỏi liên quan đến phương thức biểu đạt, tìm từ Hán - Việt, tìm ra thông điệp của đoạn trích. Khi đề thi được chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng đề chỉ nhằm hút sự chú ý, đoạn trích không hay, chưa mang tính giáo dục.

Chia sẻ vấn đề này, cô Nguyễn Hồng Luyến - giáo viên (GV) bộ môn Văn một trường phổ thông trên địa bàn quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, gần đây, không chỉ môn Ngữ văn, mà đề kiểm tra của một số môn được cho là “gần gũi” với HS xuất hiện ngày càng nhiều. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều đề bài vừa có tính giáo dục, HS cảm thấy hứng thú, vừa kiểm tra được năng lực, sáng tạo của HS…, thì còn không ít đề "mở" chưa sát thực tế, thiếu cân nhắc đến mục tiêu giáo dục.
Học sinh khối 12 trường THPT Kim Liên trong giờ ôn tập môn Ngữ văn. Ảnh: Phạm Hùng
Đó cũng là nhận định của lãnh đạo trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) khi cho rằng, vài năm gần đây có hiện tượng ra đề kiểm tra thiếu tính chính xác, vượt quá yêu cầu của chương trình, hình thức tổ chức kiểm tra, đánh giá không phù hợp với mục đích và đối tượng HS. Biên soạn đề thi, kiểm tra là một vấn đề khoa học, không phải cứ đưa vào một vài sự kiện, hiện tượng đang gây “sốt” là được đánh giá đề hay, gắn với thực tiễn cuộc sống. Với chủ trương, định hướng của trường Yên Hòa, khi ra đề thi, mỗi GV của trường sẽ tìm tòi đưa ra tình huống phù hợp với học trò.

Phải hướng đến mục tiêu của môn học

Trước việc ra đề “mở”, cô Nguyễn Như Hương - GV môn Ngữ văn Trường THPT Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), không thể phủ nhận có những đề "mở" đã giúp ra đời những bài văn chạm tới trái tim của người đọc, nhưng cũng có không ít thầy cô giáo ra đề không rõ mục đích giáo dục là gì, và đoạn trích trong bài hát “Lạc trôi” là một ví dụ…

TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, khi ra một đề thi, đặc biệt đối với những kỳ thi nghiêm túc sẽ có 2 dạng đề thi: Dạng đề đánh giá năng lực người học và dạng đề thi "mở". Theo đó, đề thi phải hướng đến mục tiêu mà môn học đề ra. Ví dụ những đề thi đó đánh giá về tính tư duy độc lập, sáng tạo, khả năng phê phán, phán đoán của người học, cách thuyết phục người khác, cách lập luận… của người học.

Xung quanh vấn đề này, ông Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ đã có công văn đề nghị các sở GD&ĐT tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động dạy học, kiểm tra đánh giá thường xuyên và học kỳ theo đúng các quy định của Bộ, đảm bảo tính chính xác, khoa học, phù hợp với đối tượng HS. Các sở GD&ĐT rà soát, đánh giá toàn bộ hoạt động ra đề, tổ chức kiểm tra, đánh giá trong thời gian vừa qua, xử lý nghiêm khắc, dứt điểm những sai phạm (nếu có); nghiêm cấm việc ra đề và tổ chức kiểm tra, đánh giá sai quy định, vượt quá yêu cầu của chương trình…

Trước yêu cầu của Bộ GD&ĐT cho thấy, đề "mở" hay "đóng" cũng phải có nguyên tắc nhất định, không thể làm một cách tùy hứng. Đề phải kiểm tra được năng lực theo đúng trình độ nhận thức của lứa tuổi; phải bảo đảm tính giáo dục và sát với đời sống thực của HS, đặc biệt phải gắn với truyền thống văn hóa, đời sống chính trị, xã hội của đất nước.

"Đề thi nào cũng phải hướng đến mục tiêu giáo dục và thật sự nghiêm túc. Chúng ta có thể ra đề thi lấy từ dư luận, sự kiện nóng… nếu những sự kiện đó nằm trong mục tiêu chương trình giúp cho người học nhận thức được sự đúng đắn của những sự kiện, trào lưu xã hội. Tuy nhiên, nếu trong mục tiêu chương trình không có mà chỉ chạy theo trào lưu “hot” của giới trẻ thì cần xem xét lại." - TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội