Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025 đã đề ra chỉ tiêu chủ yếu giai đoạn 2019 - 2020 “tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến thực hiện ở mức độ 4”.
Trong thời gian qua, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19, các bộ, ngành, địa phương đã đạt được những kết quả đáng khích lệ về thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến. Tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cả nước tính đến quý II/2020 tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019 từ 7,3% lên 14,6%. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn còn thấp so với mục tiêu Nghị quyết 17 đặt ra.
Các trung gian thanh toán ký thỏa thuận hợp tác với Bộ TT&TT triển khai Cổng hỗ trợ thanh toán quốc gia - PayGov |
Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ TT&TT chủ trì xây dựng và triển khai Hệ thống hỗ trợ thanh toán dịch vụ công trực tuyến toàn quốc ngay trong năm 2020. Đây được coi là một trong các giải pháp chủ yếu nhằm tháo gỡ nút thắt về tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 còn chưa cao.
Việc Bộ TT&TT phát triển, sớm đưa vào sử dụng Cổng hỗ trợ thanh toán quốc gia (PayGov) sẽ giúp các bộ, ngành, địa phương thực hiện kết nối, sử dụng PayGov hoàn thành chỉ tiêu về dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong năm 2020 và giúp người dân thanh toán dễ dàng, thuận tiện khi sử dụng dịch vụ công.
Cổng PayGov được phát triển không làm chức năng thanh toán trực tuyến mà thực hiện chức năng tạo lập nền tảng hỗ trợ cho các cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử của bộ, ngành, địa phương kết nối với các hệ thống trung gian thanh toán. Hệ thống được thiết kế để giải quyết các vấn đề về kết nối.
Theo đó, cổng dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành địa phương chỉ cần kết nối với cổng PayGov với một giao điện thống nhất là có thể sử dụng các tiện ích của tất cả các trung gian thanh toán. Đồng thời, các trung gian thanh toán chỉ cần kết nối đến cổng PayGov là có thể tiếp cận, cung cấp dịch vụ cho tất cả các bộ, ngành, địa phương.
Cổng PayGov cũng giải quyết vấn đề về tra soát, đối soát, quyết toán. Cổng PayGov sẽ cung cấp công cụ hỗ trợ giải quyết vấn đề về tra soát, đối soát, quyết toán giữa các bên liên quan; đặc biệt là hỗ trợ đối soát, quyết toán một cách tự động với kho bạc.
Bên cạnh đó, PayGov giải quyết vấn đề về một địa chỉ thanh toán thống nhất. Cổng PayGov không chỉ đáp ứng nhu cầu thanh toán cho dịch vụ công trực tuyến mà còn có thể mở rộng đáp ứng nhu cầu thanh toán trực tuyến của người dân đối với dịch vụ, tiện ích khác như y tế, giáo dục, điện, nước,...
Sau thời gian khẩn trương thực hiện, hiện tại cổng PayGov đã triển khai hợp tác và kết nối với 9 trung gian thanh toán gồm: Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS); Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel - Chi nhánh Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (VIETTEL DIGITAL); Công ty CP Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VNPAY); Công ty CP Dịch vụ Di động trực tuyến (M_SERVICE JSC); Công ty CP dịch vụ trực tuyến Cộng đồng Việt (VIETUNION); Tổng công ty truyền thông đa phương tiện - Công ty TNHH 1TV (VTC) 7; Công ty Cổ phần Ngân lượng (NGANLUONG JSC); Công ty CP Dịch vụ nền di động Việt Nam (VIMASS JSC); Công ty CP Viễn thông FPT (FPT TELECOM)
Tại sự kiện, 9 trung gian thanh toán đã thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác với Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT về việc triển khai Cổng thanh toán quốc gia (PayGov). Cổng PayGov sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi kết nối, hướng đến sẽ kết nối với tất cả các trung gian thanh toán tại Việt Nam.
Cổng PayGov hiện đã hoàn thành kết nối thử nghiệm với Cổng dịch vụ công của Bộ TT&TT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Quảng Ninh; Đồng thời sẵn sàng để đưa vào sử dụng chính thức. Hiện PayGov đang thực hiện kết nối thử nghiệm với cổng dịch vụ công các tỉnh như: Sóc Trăng, Cà Mau, Long An, Thừa Thiên Huế, Hà Giang, Hà Nội...