Dự án “Tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học 4F” được xây dựng trên diện tích 15ha với các hạng mục đầu tư chủ yếu, gồm: Nhà máy sản xuất các chế phẩm sinh học, sản xuất men vi sinh, chế phẩm sinh học phục vụ chăn nuôi, trồng trọt hữu cơ, sinh học (công suất 50.000 tấn/năm).
Ngoài ra, Tập đoàn Quế Lâm sẽ xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi hữu cơ với công suất thiết kế 100.000 tấn/năm phục vụ chuỗi chăn nuôi an toàn sinh học do chính nông dân Việt Nam chủ động sản xuất, cung cấp nguyên liệu đầu vào.
Xây dựng trang trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học, hữu cơ (đây là hạng mục chính của dự án) được áp dụng tự động hóa trong khâu chăn nuôi chuồng hở thuận theo tự nhiên cải tiến; trang trại có quy mô gồm nuôi lợn thương phẩm từ 8 đến 10 nghìn con, lợn nái sinh sản nguồn giống (đạt từ 3 đến 3,5 nghìn con giống) để đáp ứng nhu cầu nuôi lợn thương phẩm của dự án và cung cấp lợn giống cho các nông hộ liên kết nuôi lợn với Tập đoàn.
Ông Nguyễn Hồng Lam - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm cho biết, dự án “Tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học 4F” được phát triển dựa trên sự chắt lọc các thành quả có giá trị khoa học và thực tiến trong quá trình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, từ các mô hình chăn nuôi, trồng trọt hữu cơ theo chuỗi giá trị do Tập đoàn đầu tư, phát triển hiện đang được áp dụng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước và từ sự hợp tác, tư vấn của các nhà khoa học trong nước cũng như các nước tiên tiến trên thế giới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương khẳng định, cùng với thực hiện đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tỉnh xác định dự án “Tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học 4F” của Tập đoàn Quế Lâm là một trong số các dự án trọng điểm trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn.
Theo ông Phương, dự án đã đi đầu trong tư duy tiên phong, đổi mới sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là giải quyết được bài toán khó trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ và chăn nuôi lợn trước tình hình dịch bệnh.
Phát biểu tại buổi ra mắt, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Đây là một dự án quy mô không quá lớn nhưng rất quan trọng đối với ngành nông nghiệp. “Đến giờ phút này ngành chăn nuôi Việt Nam đang trên đà phục hồi, vấn đề ở chỗ, ở khu vực chăn nuôi lớn các doanh nghiệp lớn đảm bảo được an toàn sinh học, nhưng quan trọng nhất là khu vực hộ chăn nuôi nhỏ lẻ (chiếm 65%) thì hiện nay tái đàn rất khó khăn do giống đắt và vấn đề an toàn dịch bệnh. Chính mô hình của Quế Lâm đã giải quyết được câu chuyện đó”, ông Nguyễn Xuân Cường nói.
Đối với dự án tổ hợp 4F, Bộ trưởng đề nghị Quế Lâm và tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung hoàn thiện dự án, hoàn thiện công nghệ, hoàn thiện quy trình, hoàn thiện hệ sinh thái dịch vụ để mở rộng ra các tỉnh thành còn lại phục vụ cho khu vực chăn nuôi hộ nhỏ lẻ, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ... Các địa phương nghiên cứu mô hình của Quế Lâm để vận dụng, không chỉ đối với chăn nuôi lợn mà còn mở rộng sang các đối tượng sản xuất nông nghiệp khác.