Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ra mắt Hội đồng doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 26/4, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã thành lập và cho ra mắt Hội đồng Doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam ngay trong Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống.

Hội đồng gồm 21 thành viên đầu tiên là đại diện các doanh nghiệp đầu ngành Việt Nam với 3 đồng Chủ tịch, gồm: Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, Chủ tịch Tập đoàn THACO Trần Bá Dương và Chủ tịch FPT Trương Gia Bình.

Các doanh nghiệp thành viên đầu tiên gồm BIDV, BRG, Geleximco, VNPT, Tập đoàn TH, Tập đoàn Phú Thái, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, PNJ, CMC, Tổng công ty Kinh Bắc, Tập đoàn Doji, Tập đoàn Lộc Trời, Công ty CP Đồng Tâm, Viettravel, Hanel, Tập đoàn TBS...

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tặng hoa chúc mừng Hội đồng doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lễ ra mắt
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tặng hoa chúc mừng Hội đồng doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lễ ra mắt

Hội đồng được thành lập trên cơ sở Nhóm công tác doanh nghiệp đầu ngành đã được Ban Chấp hành VCCI thành lập từ ngày 26/5/2022, do ông Trần Bá Dương làm trưởng nhóm.

Hội đồng có chức năng tập hợp, liên kết, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp lớn, đầu ngành Việt Nam, mở rộng mối quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế, phát huy vai trò của các doanh nghiệp đầu ngành trong phát triển các ngành, các địa phương, dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp trong ngành phát triển, qua đó tham gia phát triển cộng đồng doanh nghiệp và góp phần xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững

Tham dự sự kiện, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã trực tiếp tặng hoa chúc mừng Hội đồng. Chủ tịch nước hoan nghênh VCCI đã có sáng kiến thành lập Hội đồng Doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, tập hợp, liên kết và thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp đầu ngành. Đây là bước đi phù hợp với chủ trương của Đảng về khuyến khích hình thành, phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có tiềm lực cạnh tranh được nêu trong văn kiện Đại hội XIII và Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của BCH Trung ương.

Các doanh nghiệp đầu ngành, không phân biệt thành phần kinh tế, đều là nơi quy tụ các nguồn lực tài chính, công nghệ, con người, tri thức, kinh nghiệm chuyên ngành, rất cần được phát huy, phát triển. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ: "Khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế…”, “cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp nói chung để phát triển lực lượng DN Việt Nam lớn mạnh, tăng cường gắn kết giữa DN có vốn đầu tư nước ngoài với DN trong nước.”

Ngày 31/3/2023 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 45/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10/2017-NQ/TW của Hội nghị Trung ương lần thứ 5, khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân, trong đó nhấn mạnh: “Hình thành và phát triển nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế”. Hiện nay các tập đoàn kinh tế nhà nước cũng được sắp xếp lại, để giữ vững vai trò trụ cột trong một số lĩnh vực then chốt, đảm bảo ổn định vĩ mô như: tài chính – ngân hàng, dầu khí, điện, khai khoáng, hoá chất, viễn thông…