"Bên cạnh việc đào tạo nghề cho con em, rất cần trang bị kiến thức, ngoại ngữ, tiếp cận luật pháp nước sở tại, văn hóa truyền thống. Một việc hết sức quan trọng là phối hợp với lãnh sự ngoại giao giữa hai nước để giúp đỡ con em chúng ta ra nước ngoài làm việc cũng như có sự kiểm soát việc đi tốt hơn. Thứ nữa, động viên con em có lòng tự tôn dân tộc, không làm xấu hình ảnh Việt Nam. Nhà nước tiếp tục có những chính sách, đặc biệt là cho NLĐ đi XKLĐ vay vốn để hoạt động này mới được thực hiện tốt." - Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc Bùi Huy Cường Ưu tiên tạo việc làm cho người lao động trở về "Tôi nghĩ, Bộ LĐTB&XH cần rà soát lại các công ty được cấp phép XKLĐ và công bố công khai cho người dân biết. Khi Bộ LĐTB&XH có chương trình ký kết với đối tác nước nào, cũng cần thông tin rõ về chỉ tiêu, tuyển dụng ở ngành nghề gì, các địa bàn nào, các khoản chi phí NLĐ phải đóng. Trong hợp đồng đi XKLĐ phải có những điều khoản chặt chẽ, mức ký quỹ cần phải tăng hơn để NLĐ có trách nhiệm trở về đúng hạn. Về phía lãnh đạo UBND xã, phường cũng phải vào cuộc để việc tuyển dụng lao động đi XKLĐ minh bạch có như thế mới ngăn chặn được các đường dây tổ chức di cư lao động trái phép. Bộ LĐTB&XH cũng nên nghiên cứu các chính sách ưu tiên tạo việc làm, hỗ trợ khởi nghiệp cho NLĐ trở về đúng hạn." - Nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII - bà Bùi Thị An Đi XKLĐ có tay nghề, đảm bảo lương cao "Hiện nay, trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội đang hỗ trợ các DN được phép tuyển dụng lao động đi làm việc ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức về dạy tiếng miễn phí, tạo nguồn tuyển dụng sinh viên của trường. Đa phần các sinh viên của trường khi trúng tuyển đi làm việc ở nước ngoài không phải mất phí. Trừ một số nghề như Công nghệ ô tô, DN Nhật Bản thu phí 50 triệu đồng nhưng tạm ứng cho 50% số tiền. Khi sinh viên sang Nhật làm việc đủ 6 tháng đạt yêu cầu sẽ được DN trả lại 25 triệu đồng tiền phí đã thu, coi như không mất đồng nào. Trong khi đó, tôi được biết, hiện nay, nhiều bạn đi lao động tại Nhật theo con đường bên ngoài phải mất phí tới 200 triệu đồng. Các bạn trẻ có nhu cầu ra nước ngoài làm việc nên thông qua những trường đào tạo nghề, Sở LĐTB&XH, Bộ LĐTB&XH ký kết hợp tác chương trình với nước đối tác. Về phía các cơ quan chức năng nên phối hợp với trường nghề, có định hướng cho NLĐ trước khi đi để không xảy ra di cư lao động chui. Chắc chắn, NLĐ khi đi XKLĐ đã có tay nghề sẽ được nhận mức lương cao và bảo đảm an toàn bởi khi các trường ký kết với DN đồng nghĩa với có sự kiểm soát." - Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội - ông Nguyễn Văn Huy Đi XKLĐ qua nhà trường để đảm bảo an toàn "Năm 2015, khi tôi vừa tốt nghiệp nghề Cơ khí, trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội thì Công ty TNHH Daesung Hi Tech Vina (có văn phòng đại diện tại Việt Nam) đã đến trường tuyển dụng lao động. Tôi và các bạn trong lớp đã đăng ký phỏng vấn. Sau khi trúng tuyển, chúng tôi được DN đào tạo tiếng Hàn 9 tháng và tiếp sau đó sang Hàn Quốc học kỹ thuật và làm việc trong nửa năm mà không phải mất đồng phí nào, lại còn được tạo điều kiện ăn, ở miễn phí. Hiện nay, khi trở về nước, do có trình độ kỹ năng tay nghề, tôi được phân công đảm nhiệm vị trí Quản lý kỹ thuật ở Công ty TNHH Daesung Hi Tech Vina đóng tại tỉnh Bắc Ninh, với mức thu nhập tháng khoảng 15 triệu đồng. Tôi nghĩ, hiện nay có nhiều hình thức đi XKLĐ nhưng các bạn nên đi theo những đơn vị có uy tín, mức phí thấp, chẳng hạn như các trường nghề phối hợp với DN để đảm bảo an toàn và có thu nhập theo thỏa thuận." - Quản lý kỹ thuật, Công ty TNHH Daesung Hi Tech Vina - anh Nguyễn Văn Huy |
Ra nước ngoài làm việc hợp pháp: Đảm bảo an toàn, lại có tương lai
Kinhtedothi - Người lao động (NLĐ) ra nước ngoài làm việc theo con đường chính thức không chỉ đảm bảo an toàn còn có thu nhập khá.
Đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) theo con đường không hợp thức đồng nghĩa với rủi ro, không chỉ là mất tiền mà còn cả tính mạng.
Việc 39 thi thể bị phát hiện tử vong trong thùng xe container ở Vương quốc Anh ngày 23/10 đã khiến dư luận trong nước và quốc tế hết sức bàng hoàng. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ Ngoại giao và Bộ Công an đã tổ chức các đoàn công tác sang Anh để phối hợp, làm việc với cơ quan chức năng Anh xác minh danh tính nạn nhân.
Cơ quan công an Hà Tĩnh và Nghệ An nhanh chóng điều tra, bắt giữ những đối tượng có liên quan đến việc đưa người đi sang Anh trái phép. Qua vụ việc này cho thấy, tình trạng lao động bất hợp pháp đang diễn ra hết sức phức tạp. Các đường dây đưa người ra nước ngoài lao động trái phép như những vòi vòi bạch tuộc vươn đến nhiều địa bàn ở Hà Tĩnh, Nghệ An.
Khi người dân bất chấp mọi điều kiện
Trong suy nghĩ của không ít người, châu Âu, châu Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản là những thiên đường để tìm vận may đổi đời. Vì thế có những người đã bất chấp, bằng mọi giá phải đến được để thay đổi cuộc sống hiện tại của ngay chính bản thân và gia đình mình. Theo giải thích của Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) Bùi Huy Cường: Rất nhiều người, nhất là những người ở xứ trời Âu đã tô vẽ quá mức về cuộc sống xứ người nên người dân nghĩ sang đó sung sướng, tin tưởng nghe theo mà không tìm hiểu kỹ.
Trong khi đó, việc kiểm soát và ngăn chặn đi lao động bất hợp pháp gặp trở ngại khi quyền tự do của con người càng được nâng cao, việc đi lại hết sức thuận lợi. Mọi người đã đi theo con đường thăm người thân, du lịch, khi đến nước sở tại rồi bỏ trốn. Bên cạnh đó, người dân đi theo con đường môi giới đến Anh đã dẫn đến thảm họa 39 người chết trong thùng xe container.
Ông Nguyễn Trí Lạc - Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Tĩnh cho rằng, có một số thị trường, nhất là châu Âu yêu cầu NLĐ quá cao về trình độ khoa học kỹ thuật, ngoại ngữ. Ví dụ, NLĐ muốn sang CHLB Đức phải đạt trình độ tiếng Đức B2, tương đương với yêu cầu tiến sĩ. Hiện nay, theo quy định, đi XKLĐ có 3 cấp (chuyên gia, trình độ kỹ thuật và phổ thông) với những yêu cầu cụ thể. Tuy nhiên, khi NLĐ rất muốn đi ra nước ngoài nhanh thì bất chấp tất cả, dẫn đến di cư lao động chui, vượt biên trái phép.
Nhiều cơ hội đi xuất khẩu lao động hợp pháp
Đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài là một chủ trương đúng đắn trong bối cảnh lực lượng lao động Việt Nam dồi dào, khả năng tạo việc làm trong nước còn hạn chế, tình hình thất nghiệp còn cao, thu nhập của NLĐ thấp. Trong những năm gần đây, số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tăng đều hàng năm.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung thông tin, hiện nay có gần 400 DN được cấp phép, đủ tư cách đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Trong 3 năm qua, mỗi năm cả nước có trên 100.000 người đi lao động ở các nước, cao nhất là năm 2018 với 143.000 lao động đến địa bàn 4 nước và vùng lãnh thổ là chủ yếu (Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Malaysia). Ở khu vực châu Âu, Việt Nam hợp tác với 2 quốc gia là Romania, đã đưa được 3.000 người sang làm việc tính từ năm 2018 và đầu 2019; và CHLB Đức với chủ yếu là điều dưỡng viên.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTB&XH, để đi làm việc ở nước ngoài, NLĐ đều phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước tiếp nhận lao động. NLĐ có thể ra nước ngoài làm việc hợp pháp theo 5 hình thức. Thứ nhất, thông qua DN hoạt động dịch vụ có Giấy phép đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Thứ hai, thông qua Tổ chức sự nghiệp đưa NLĐ đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS, đi Nhật Bản theo Chương trình hợp tác với IM Japan, đi học tập và làm việc tại CHLB Đức theo Chương trình hợp tác với Công ty Vivantes của Đức. Thứ ba, các DN đưa NLĐ của DN đi làm việc ở nước ngoài theo dự án nhận thầu, khoán công trình, đầu tư ra nước ngoài hoặc đưa đi thực tập nâng cao tay nghề. Thứ tư, NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cá nhân. Và, theo thỏa thuận giữa các địa phương Việt Nam với địa phương nước ngoài, chủ yếu là lao động đi làm việc thời vụ trong thời hạn ngắn.
Châu Âu, đặc biệt các nước Đông Âu, là thị trường lao động khá khó tính, với yêu cầu thủ tục nhập cảnh vào làm việc chặt chẽ, NLĐ phải có trình độ tay nghề, kỹ năng, bằng cấp, ngoại ngữ. Hiện nay, các DN hoạt động dịch vụ đã và đang triển khai thực hiện những hợp đồng lao động đi làm việc ở một số nước với khoảng 6.000 người, chủ yếu là Rumani, Ba Lan, Sip, Slovakia... thu nhập trung bình mỗi tháng 500 - 1.000 USD.
Tuy nhiên, do các nước tiếp nhận số lượng lao động còn hạn chế trong khi rất nhiều người Việt Nam có nhu cầu đến làm việc. Thêm vào đó, NLĐ không có đủ điều kiện chuẩn về nghề nghiệp và ngoại ngữ; muốn đi nhanh, thu nhập cao, nghe theo lời dụ dỗ của các tổ chức, cá nhân môi giới, lừa đảo đã di cư lao động chui mà không lường trước được rủi ro, nguy hiểm.
Nhiều giải pháp chấn chỉnh
Để chấn chỉnh tình trạng đi lao động không theo con đường hợp pháp, Bộ LĐTB&XH đã yêu cầu NLĐ ký quỹ trước khi đi, đình chỉ tạm thời những địa phương có tỷ lệ lao động đi làm việc tại Hàn Quốc hết thời hạn hợp đồng nhưng vẫn ở lại cư trú bất hợp pháp.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, vừa rồi, Bộ LĐTB&XH tiến hành thanh, kiểm tra 118 DN kinh doanh có điều kiện và thu hồi, đình chỉ, cấm vĩnh viễn một số DN vi phạm. Cùng với đó, đã thống nhất với Nhật Bản, Hàn Quốc về việc nếu đơn vị nào vi phạm ở cả hai đầu tiếp nhận và cử người đi đều bị xử lý. Với những giải pháp quyết liệt, năm 2016 có 56% người lao động hết hạn hợp đồng đã bỏ trốn ở lại Hàn Quốc thì qua 3 năm giảm còn 26%.
Do hiện nay nhu cầu đi XKLĐ là rất lớn nhưng thị trường lại có hạn nên rất khó đáp ứng. Hơn nữa, đi ra nước ngoài làm việc bất hợp pháp không chỉ là mục tiêu lao động mà còn là nhập cư. Vì thế, TS Nguyễn Hữu Dũng - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, Bộ LĐTB&XH đề nghị cần phải có chính sách đồng bộ cả về kinh tế, quản lý hành chính, hình sự để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý.
Riêng về chính sách XKLĐ, cần mở rộng thị trường lao động thông qua ký kết các hiệp định để đáp ứng nhu cầu. Tăng cường hỗ trợ đào tạo tay nghề thích ứng với nhu cầu của các thị trường lao động nước ngoài, nâng mức cho vay vốn ưu đãi để NLĐ có thể đi, ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa, người nghèo, thanh niên chưa có việc làm.
Đồng thời, tuyên truyền công khai chỉ tiêu, hỗ trợ miễn phí về thủ tục để NLĐ dễ dàng tiếp cận. Trong trường hợp NLĐ vi phạm quy định như di cư lao động bất hợp pháp, vi phạm cam kết hợp đồng, bị trục xuất trở về thì không được nhận lại số tiền đã ký quỹ, bị xử lý hành chính, thậm chí hình sự.
Ra nước ngoài làm việc để cải thiện thu nhập và nâng cao cuộc sống gia đình là một nhu cầu chính đáng. Đi XKLĐ theo con đường chui sẽ gặp những hậu quả khó lường, thậm chí phải bỏ mạng nơi xứ người. Vì thế, Bộ LĐTB&XH khuyến cáo người dân đi XKLĐ bằng con đường chính thức để được bảo hộ công dân, visa, giấy phép lao động, có mức lương và sự thỏa thuận.