Doanh thu khá từ kinh tế làng nghề
Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, toàn TP hiện có 806 làng nghề và làng có nghề. Trong đó, 318 làng nghề đã được UBND TP Hà Nội công nhận thuộc 23 quận, huyện, thị xã. Các làng nghề phát triển trong 6/7 nhóm lĩnh vực ngành nghề được Bộ NN&PTNT quy định. Mỗi làng nghề mang một bản sắc riêng, tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Năm 2022, Hà Nội phấn đấu công nhận thêm 10 làng nghề, làng nghề truyền thống; hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác nhận quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể cho 20 làng nghề, làng nghề truyền thống và 40 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận thuộc danh mục được đánh giá tác động môi trường.
Đáng chú ý, hàng trăm sản phẩm làng nghề đã được UBND TP Hà Nội công nhận đạt từ 3 sao trở lên trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước những năm qua. Đặc biệt là các sản phẩm về may mặc, gốm sứ, thêu ren truyền thống, điêu khắc gỗ, cơ khí chế tạo...
Tổng doanh thu hàng năm từ các làng nghề trên địa bàn Hà Nội ước đạt bình quân trên 20.000 tỷ đồng. Kinh tế làng nghề có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu qua các năm. Trong đó, có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 - 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 - 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương.
Cùng với doanh thu lớn, sự phát triển của các làng nghề cũng giúp cải thiện thu nhập cho người lao động. Con số này hiện đạt bình quân 5 - 6 triệu đồng/người. Mức thu nhập này nhìn chung còn thấp và không đồng đều nhưng vẫn cao hơn so với lao động thuần nông. Cá biệt lao động làng nghề tại một số quận, huyện đạt từ 60 triệu đồng/người/năm như: Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Hoài Đức, Bắc Từ Liêm, Thạch Thất…
Nguy cơ mai một
Dù vẫn đóng góp quan trọng trong kinh tế nông thôn, tuy nhiên, việc phát triển làng nghề hiện nay đang đứng trước nhiều thách thức lớn. Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) Phạm Khắc Hà cho biết, tình trạng đô thị hóa diễn ra nhanh khiến nhiều người bỏ dệt lụa chuyển sang các ngành nghề khác có lợi nhuận cao hơn.
“Nếu như năm 2001, làng Vạn Phúc vẫn còn hơn 500 máy dệt lụa thì hiện nay chỉ còn khoảng 300 máy hoạt động. Những người giữ nghề chủ yếu cũng đã lớn tuổi. Nếu thế hệ này mai một, nghề dệt lụa nơi đây sẽ khó có thể duy trì” - ông Phạm Khắc Hà trăn trở.
Ở khía cạnh khác, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Trung (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ), cho biết nghề mây tre đan ở thôn Phú Vinh đã có từ hàng trăm năm nay, mang lại cuộc sống ấm no cho nhiều hộ dân. Các sản phẩm mây tre đan từ ngôi làng này đã được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Mặc dù vậy, theo ông Trung, thời gian gần đây, làng nghề gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn nguyên liệu sản xuất ngày một khó tìm.
“Trước đây, các loại mây, song phục vụ sản xuất có thể dễ dàng mua được từ các tỉnh miền núi phía Bắc nhưng hiện nay nguồn cung từ các vùng nguyên liệu này bị thiếu hụt nghiêm trọng, chúng tôi phải nhập khẩu nguyên liệu từ Lào, Campuchia, Indonesia… Điều này khiến chi phí sản xuất bị đẩy lên cao, không chủ động được nguồn cung phục vụ sản xuất” - ông Trung cho hay.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Trần Sỹ Tiến đánh giá, mặc dù T.Ư và TP đã có nhiều chính sách hỗ trợ, song làng nghề vẫn là ngành kinh tế yếu thế. Qua nhiều năm phát triển, kết cấu hạ tầng của các làng nghề, đặc biệt là giao thông đang ngày một xuống cấp hoặc chưa đồng bộ.
Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất chủ yếu là quy mô hộ. Việc tổ chức kinh doanh, xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh của nghề và làng nghề ít được quan tâm. Đây là một trong những lý do khiến 544 làng nghề và làng có nghề trên địa bàn Hà Nội bị mai một trong những năm qua.
Cần giải pháp đồng bộ
Gợi mở về giải pháp phát triển làng nghề cho Hà Nội, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới T.Ư Trần Nhật Lam cho rằng, TP cần tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách để thúc đẩy các ngành nghề nông thôn; trong đó, mỗi làng nghề, ngành nghề cần có kế hoạch phát triển riêng.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội Hà Thị Vinh bày tỏ quan điểm rằng trên địa bàn TP có nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ. Chính vì vậy, các Sở: NN&PTNT, Công Thương, Du lịch cần “bắt tay” nhau để thảo luận, nghiên cứu, bàn giải pháp tiến tới đưa Hà Nội trở thành công xưởng của cả nước về sản xuất các mặt hàng quà tặng thủ công mỹ nghệ.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, hiện nay TP đang tiếp tục nghiên cứu quy hoạch phát triển làng nghề, ngành nghề, các khu, cụm công nghiệp, dịch vụ nông thôn nhằm đáp ứng nhu cầu trong sản xuất, kinh doanh và xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó là thúc đẩy phát triển các làng nghề có thế mạnh gắn với du lịch nông thôn.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đánh giá, trong xu thế đô thị hoá hiện nay, việc một số làng nghề bị mai một là khó tránh khỏi. Cùng với nỗ lực của TP, đòi hỏi đặt ra là các làng nghề cần thay đổi để thích ứng với yêu cầu của thị trường, cả về chất lượng lẫn mẫu mã sản phẩm.
Để nâng cấp được sản phẩm làng nghề, một trong những giải pháp cần được quan tâm là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất. Trong đó, ưu tiên các lĩnh vực bảo quản, chế biến nông, lâm sản, hàng thủ công mỹ nghệ. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các làng nghề, đặc biệt là nghề truyền thống, gắn với phát triển sản phẩm OCOP và thúc đẩy hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn.
“Thời gian tới, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các văn bản, Nghị định của Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư về chính sách phát triển ngành nghề nông thôn phù hợp với quy định và tình hình thực tế tại địa phương, nhất là Nghị định số 52/NĐ-CP của Chính phủ” - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ thông tin thêm.
Nguồn nguyên liệu đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sản xuất của nhiều làng nghề. Dù vậy với đặc thù là Thủ đô, Hà Nội khó có thể bảo đảm nguồn cung tại chỗ. Do đó, TP cần tăng cường liên kết với các tỉnh, thành để phát triển vùng nguyên liệu phục vụ hoạt động sản xuất ổn định cho các làng nghề.
Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Thị Hoàng Yến