70 năm giải phóng Thủ đô

Rà soát các khoản phí, lệ phí để đưa vào luật

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 17/9, Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội đã lấy ý kiến của các luật sư, lãnh đạo sở, ngành vào Dự thảo Luật Phí và lệ phí.

Hầu hết đều đồng tình việc cần thiết phải ban hành Luật này, bởi Pháp lệnh Phí và lệ phí đã thực hiện được hơn 10 năm, bộc lộ nhiều bất cập cần sửa đổi. Nhưng đây là Dự luật có tác động đến đời sống người dân, nên cần sự chỉnh chu về nội dung, hình thức, đảm bảo khả thi và đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước.
Thu viện phí tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư.  	Ảnh: Thanh Hải

Thu viện phí tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư. Ảnh: Thanh Hải
 Tuy nhiên, nội dung Dự Luật lại chưa được đánh giá cao, còn quá nhiều vấn đề cần xem xét lại. Đại diện trường ĐH Luật Hà Nội cho rằng: Dự Luật nhạy cảm vì đụng đến quyền, nghĩa vụ không chỉ Nhà nước, DN, mà còn liên quan đến nghĩa vụ đóng nộp của dân – đối tượng trung tâm, nên cần thận trọng. Cần được đưa ra để lấy ý kiến người dân về các vấn đề cần điều chỉnh. Tránh tình trạng mở rộng quá nhiều khoản phí, lệ phí, tăng gánh nặng cho dân.

Đồng tình với việc Dự Luật chỉ nên điều chỉnh với những khoản phí, lệ phí tạo nguồn thu cho ngân sách, do cơ quan Nhà nước và cơ quan Nhà nước ủy quyền thực hiện dịch vụ công thu, nhưng các ý kiến đều cho rằng, Dự Luật khi được ban hành phải tạo ra một bước chuyển lớn, khắc phục tình trạng phí trồng phí hiện nay. Tuy nhiên, Dự Luật quy định 51 khoản phí, 39 khoản lệ phí còn quá chung chung, quy định nhóm, nhưng trong ruột thì lại không định hình cụ thể. Do đó, phải rà soát các khoản phí, lệ phí để đưa vào luật. Cùng với đó, tính đến sự tương đồng với các luật khác cũng cần phải rà soát lại, loại bỏ những khoản phí, lệ phí trùng lắp. Tuy nhiên, nên nghiên cứu để tránh được tình trạng, danh mục phí, lệ phí sau khi hệ thống hóa lại không theo kịp được sự vận động của cuộc sống, sẽ khó thực hiện.

Xung quanh vấn đề chuyển học phí và viện phí sang cơ chế giá, một số ý kiến không đồng tình, do chưa phù hợp với thời điểm hiện nay. Bởi giáo dục và y tế là chính sách của Nhà nước, người học hay bệnh nhân có trách nhiệm một phần và chỉ là tối thiểu. Nếu chuyển sang cơ chế giá, có nghĩa là thực hiện theo cơ chế thị trường, dựa trên sự thảo thuận, không phù hợp với điều kiện sống chung. Đại diện Sở Y tế Hà Nội góp ý: Hiện tại, viện phí (lĩnh vực chữa bệnh) đã chuyển sang cơ chế giá khám chữa bệnh, còn lại lĩnh vực phòng bệnh vẫn ở phí. Nhưng nếu sau này thực hiện theo Dự Luật, sẽ chuyển toàn bộ sang cơ chế giá, đồng nghĩa với việc tiền lương cho cán bộ y tế cũng phải sử dụng từ khoản thu này, mức thu của dân sẽ lớn hơn.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, Dự Luật phải làm rõ và cụ thể hơn những hành vi nghiêm cấm và xử lý vi phạm. Đồng thời, cần quy định rõ đối tượng điều chỉnh, thẩm quyền thu phí, lệ phí. Bên cạnh đó, phải xác định rất rõ nguyên tắc cái nào là phí, cái nào là lệ phí, cái nào là xã hội hóa để tránh tình trạng nhập nhằng, lạm dụng để thu.