Theo Phó Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh, sau khi QHC 1259 được duyệt năm 2011, Thành ủy, UBND TP đã chỉ đạo các sở, ngành triển khai thực hiện đồng bộ một khối lượng lớn các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, hạ tầng kỹ thuật, sử dụng đất, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội… Đến nay, trên toàn địa bàn TP đã được phê duyệt 32/32 đồ án, quy hoạch phân khu đã phê duyệt 33/35 đồ án. Triển khai lập và hoàn thành phê duyệt 5/5 quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, một khối lượng lớn quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, chỉ giới đường đỏ, quy hoạch đặc thù… Các đồ án quy hoạch sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt, công bố và bàn giao đầy đủ theo quy định là cơ sở cung cấp thông tin, chứng chỉ quy hoạch, triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình, tuyến đường, cấp giấy phép xây dựng; xử lý các trường hợp đất không đủ điều kiện xây dựng; từng bước chỉnh trang, nâng cao bộ mặt kiến trúc đô thị, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của TP.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, lãnh đạo Sở QH - KT cũng nhìn nhận, sau 10 năm triển khai thực hiện quy hoạch đã bộc lộ một số tồn tại. Cụ thể, đồ án quy hoạch ngành, mạng lưới, lĩnh vực… còn chưa đồng bộ với quy hoạch xây dựng. Việc triển khai thực hiện quy hoạch sau khi phê duyệt còn chậm. Thiếu nguồn lực và sức hút trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật khung, xây dựng, cải tạo chung cư cũ… khiến bộ mặt đô thị chưa được đồng bộ, khang trang. Quản lý trật tự xây dựng còn hạn chế...
Đồng tình với việc này, nhiều chuyên gia quy hoạch đô thị cho rằng, nhìn vào những tồn tại, bất cập gây bức xúc trong thời gian qua như ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, các khu đô thị phát triển xôi đỗ, chậm di dời các cơ sở ô nhiễm, trường đại học, bệnh viện, trụ sở bộ ngành… cho thấy, việc tổ chức thực hiện theo định hướng của QHC 1259 còn nhiều hạn chế. GS.TS Hoàng Văn Cường - đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá, QHC 1259 đã đi được nửa chặng đường. Ngoài việc hạn chế trong tổ chức thực hiện các quy hoạch đã được lập thì điều đáng bàn là đến nay, vẫn chưa hoàn thành xong các quy hoạch, vẫn còn những quy hoạch phân khu chưa được duyệt như quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống. “Quy hoạch chậm, triển khai quy hoạch chậm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của Thủ đô” - GS.TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Những chú ý khi nghiên cứu điều chỉnhTrước đòi hỏi bức thiết từ thực tế cùng với những yêu cầu cần phải phù hợp với một số quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực quy hoạch đô thị đã được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, là những lý do để Hà Nội không thể chậm trễ hơn trong việc nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch tổng thể chung toàn TP. Ngày 25/5 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đã ký ban hành Kế hoạch về việc triển khai công tác lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, để thực hiện tốt được nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch tổng thể, trước hết cần phải có đợt nghiên cứu, tổng kết lại những định hướng đã được duyệt và vấn đề chậm triển khai theo QHC 1259 để có được đề xuất hợp lý. Cụ thể, QHC 1259 đã đặt ra những định hướng rất lớn như đến năm 2030 phải thực hiện được như mô hình chùm đô thị gồm đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh nhưng đến nay nửa chặng đường đã đi qua mà vẫn chậm triển khai. Hay như định hướng trong quy hoạch là nâng tỷ lệ đô thị hóa từ 40% lên 60%. Điều này đã được TP cụ thể bằng đề án xây dựng 5 huyện thành quận vào năm 2050, đến năm 2030 thêm 3 huyện nữa lên quận nhưng trong thực tiễn, vẫn còn những tồn tại rất lớn cần phải định hướng như vấn đề dân số, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp… Việc điều chỉnh quy hoạch lần này chính là bệ đỡ để đẩy nhanh thực hiện các quy hoạch huyện lên quận, nâng tỷ lệ đô hóa của Hà Nội.
Cũng theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, một trong những nội dung nữa mà trong điều chỉnh quy hoạch lần này cần đề cập là mục tiêu mà TP Hà Nội đang hướng tới là xanh – văn hiến – văn minh – thông minh. Hà Nội đang là một trong 3 TP thuộc 3 vùng trọng điểm của cả nước xây dựng thành phố thông minh. Xây dựng thành phố thông minh là một chặng đường dài nhưng trong giai đoạn tới thực hiện theo lộ trình như thế nào thì trong nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch lần này cần phải đặt ra để hướng tới. Đồng thời lần điều chỉnh này cần giải quyết những vấn đề trong QHC 1259 còn tồn tại như vấn đề dân số. Trong quy hoạch chung năm 2011, đặt ra đến năm 2030 dân số Hà Nội là 9,2 triệu người, song đến nay mới được nửa chặng đường mà dân số đã vượt qua ngưỡng đề ra. Vậy nên phải giải quyết vấn đề quản lý dân số thế nào, phân bố ra sao cần phải tính đến.
Trong 10 năm qua, Hà Nội đã có khoảng hơn 370 dự án được triển khai, TP đã rà soát, thanh tra, kiểm tra và đề xuất thu hồi một số dự án không hiệu quả. Do vậy, trong điều chỉnh quy hoạch lần này cần có định hướng để giải quyết những vấn đề tồn tại trong việc triển khai dự án xây dựng. Ở bình diện rộng hơn, việc điều chỉnh quy hoạch cũng là cơ hội để định hình lại vai trò của TP Hà Nội trong mối quan hệ với Vùng Thủ đô. Nhất là thời gian gần đây, T.Ư đã có đề xuất phân bố lại vùng, và trong đó Vùng Thủ đô cũng đã có những đổi mới như việc xây dựng đường Vành đai 4, Vành đai 5, cùng đó các tỉnh lân cận như tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt quy hoạch tích hợp.
Đặc biệt, việc điều chỉnh quy hoạch lần này còn nhằm cởi gỡ những nút thắt về các vấn đề gắn với đời sống dân sinh bức xúc cũng như tái thiết lại bộ mặt đô thị Hà Nội, như cải tạo chung cư cũ, di dời các cơ sở công nghiệp ô nhiễm... Đây là những vấn đề tồn tại từ lâu khó giải quyết mà nguyên nhân được xác định phần lớn là do quy hoạch.