Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rà soát, điều chỉnh tiến độ các dự án ximăng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan có biện pháp giám sát việc thực hiện các dự án theo đúng tiến độ điều chỉnh; chủ động xây dựng các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu ximăng đáp ứng yêu cầu sử dụng tài nguyên khoáng sản hợp lý, hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản số 485/TTg-KTN ngày 3/4/2013 về việc rà soát, điều chỉnh tiến độ các dự án ximăng theo quy hoạch.

Thủ tướng Chính phủ đồng ý kiến nghị của Bộ Xây dựng đưa 9 dự án ximăng công suất dưới 2.500 tấn clinker/ngày ra khỏi quy hoạch, gồm: Hà Tiên-Kiên Giang, Trường Sơn-Rô Li, Hợp Sơn, Ngọc Hà, Vinafuji Lào Cai, Thanh Trường, Sơn Dương, Quang Minh và Cao Bằng.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý việc giãn tiến độ đầu tư bảy dự án, gồm: Hệ Dưỡng II, Mỹ Đức, Thanh Sơn, Tân Thắng, Đô Lương, Tân Phú Xuân, Nam Đông sang giai đoạn sau năm 2015.
 
Rà soát, điều chỉnh tiến độ các dự án ximăng - Ảnh 1
(Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN)
 

Riêng dự án Xuân Thành 2 (Hà Nam) được đưa vào danh mục các dự án ximăng dự kiến vận hành trước năm 2015.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan có biện pháp giám sát việc thực hiện các dự án theo đúng tiến độ điều chỉnh; chủ động xây dựng các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu ximăng đáp ứng yêu cầu sử dụng tài nguyên khoáng sản hợp lý, hiệu quả.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Hiệp hội ximăng Việt Nam, Tổng công ty Công nghiệp ximăng Việt Nam (Vicem) thống nhất giải pháp nâng cao hiệu quả trong xuất khẩu ximăng, hạn chế gây thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất ximăng trong nước.

Theo ông Nguyễn Tử Thanh, Phó Phòng Kế hoạch Chiến lược Vicem, đến năm 2013, nguồn cung ximăng trong nước đạt khoảng 73 triệu tấn/năm, có khả năng sản xuất tất cả các chủng loại ximăng, đáp ứng nhu cầu công nghiệp và dân dụng.

Tuy nhiên, mức tiêu thụ ximăng trong nước mới chỉ đạt khoảng 50 triệu tấn/năm. Như vậy, lượng dư thừa ximăng lên đến trên 20 triệu tấn/năm. Nếu xuất khẩu hàng năm khoảng 10 triệu tấn thì Việt Nam vẫn dư thừa từ 10 đến 13 triệu tấn. Việc dư thừa này gây lãng phí nguồn lực xã hội rất lớn về vốn và tài nguyên... gây cạnh tranh khốc liệt, làm thiệt hại hàng năm hàng nghìn tỷ đồng./.