Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật về công chứng

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đã đề nghị Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật về công chứng đảm bảo đồng bộ, thống nhất với văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Hơn 7 năm thi hành Luật Công chứng năm 2014, các tổ chức hành nghề công chứng trên cả nước đã thực hiện hơn 27 triệu việc công chứng, gần 60 triệu việc chứng thực; tổng số tiền nộp thuế và ngân sách nhà nước hơn 1.600 tỷ đồng. Đến nay, cả nước có 3.011 công chứng viên; 1.295 tổ chức hành nghề công chứng. Tại 63/63 tỉnh, thành phố đều có văn phòng công chứng theo chủ trương xã hội hóa…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Luật Công chứng năm 2014 cũng bộc lộ hạn chế, bất cập cần sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Dự án Luật Công chứng (sửa đổi) đang được xây dựng nhằm khắc phục những bất cập, yếu kém; nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng, từng bước phát triển nghề công chứng Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế.

Người dân đến giao dịch tại Văn phòng Công chứng Trịnh Như Tố (106 Vạn Phúc, quận Hà Đông)
Người dân đến giao dịch tại Văn phòng Công chứng Trịnh Như Tố (106 Vạn Phúc, quận Hà Đông)

Tại phiên họp thẩm định đề nghị xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi) diễn ra ngày 29/7 vừa qua, các thành viên hội đồng thẩm định đã tập trung thảo luận, xem xét cho ý kiến đối với đề nghị xây dựng Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Trong đó, tập trung vào các nhóm vấn đề cụ thể: Sự cần thiết ban hành luật; đối tượng, phạm vi điều chỉnh của luật; Sự phù hợp của nội dung chính sách với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; Tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của chính sách với hệ thống pháp luật và tính khả thi, tính dự báo của nội dung chính sách, các giải pháp và điều kiện bảo đảm thực hiện chính sách dự kiến trong đề nghị xây dựng luật; Tính tương thích của nội dung chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản với điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; Sự cần thiết, tính hợp lý, chi phí tuân thủ thủ tục hành chính của chính sách trong đề nghị xây dựng luật; việc tuân thủ trình tự, thủ tục lập đề nghị xây dựng luật. Bên cạnh đó, thành viên hội đồng cũng cho ý kiến đánh giá về 5 chính sách và một số nội dung cụ thể của dự kiến đề cương chi tiết Luật.

Trên cơ sở ý kiến của thành viên hội đồng thẩm định tại phiên họp, liên quan nội dung của các nhóm chính sách, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh yêu cầu rà soát, chỉnh lý lại các nhóm mục tiêu, giải pháp của 5 chính sách được nêu trong Tờ trình đảm bảo thống nhất với Báo cáo tổng kết thi hành Luật Công chứng và dự kiến đề cương chi tiết Luật. Cùng với đó, Cục Bổ trợ tư pháp tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật về công chứng đảm bảo đồng bộ, thống nhất với văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật trước khi trình Chính phủ.

Tại phiên họp trước đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho hay, bên cạnh hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực công chứng, Bộ Tư pháp sẽ quy định chặt chẽ hơn về đào tạo, tập sự hành nghề công chứng; làm rõ quyền, nghĩa vụ của công chứng viên nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên, từ đó, nâng cao chất lượng hoạt động công chứng. Ngoài ra, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động công chứng theo lộ trình phù hợp; hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về công chứng của từng địa phương, tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng toàn quốc để tăng cường tính chuyên nghiệp, hiệu quả và an toàn.