Rà soát, khắc phục bất cập trong quản lý nhà tái định cư

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khu chung cư Nam Trung Yên. Ảnh: Hải Linh

Mô hình quản lý, vận hành nhà chung cư tái định cư hiện nay còn nhiều bất cập, hạn chế; việc tiếp nhận, theo dõi, bố trí sử dụng quỹ nhà tái định cư còn chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả chưa cao, đó là vấn đề được nhấn mạnh tại kết luận đợt giám sát công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư tái định cư trên địa bàn TP vừa được Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP ban hành.

Kết quả giám sát cho thấy, từ năm 2001 đến nay, TP đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 166 tòa nhà chung cư tái định cư với 13.971 căn hộ, khoảng 910.145m2 tại 36 khu trên địa bàn 9 quận và 26 phường. Tại thời điểm giám sát còn 1.583 căn hộ đã bàn giao cho người sử dụng nhưng chưa ký hợp đồng, chưa nộp tiền mua; 1.303 căn hộ đã có quyết định, văn bản bố trí nhưng người dân chưa nộp tiền và chưa nhận nhà; 625 căn hộ trống chưa có quyết định bố trí sử dụng.
Khu chung cư Nam Trung Yên.  	Ảnh:  Hải Linh
Kinhtedothi - Khu chung cư Nam Trung Yên. Ảnh: Hải Linh
Những căn hộ loại này nằm rải rác ở nhiều tòa nhà, trên nhiều địa bàn và có những tòa nhà đã đưa vào sử dụng trên 10 năm. Kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cũng chưa cao, đến nay còn 4.493 căn hộ (36,7%) đã giao cho người dân đưa vào sử dụng nhưng chưa cấp được giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà. Có đến 550 căn hộ Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội tự cho người dân vào ở, chưa ký hợp đồng, chưa nộp tiền mua nhà…

Thực tế, thành lập Ban Quản trị ở các tòa nhà này cũng gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, việc sử dụng quỹ bảo trì chưa hiệu quả, có tòa nhà đưa vào sử dụng trước khi Luật Nhà ở năm 2005 có hiệu lực cần được bảo trì thì không có quỹ bảo trì, có tòa nhà có quỹ bảo trì lại chưa sử dụng được do các hộ dân không đồng thuận...

Ban Kinh tế và Ngân sách kiến nghị UBND TP nên rà soát để bãi bỏ những quy định không phù hợp; bổ sung các quy định mới cho phù hợp Luật Nhà ở năm 2014 trong quản lý nhà chung cư tái định cư. Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo điều chỉnh, bổ sung các quy định của TP để xử lý những hạn chế, bất cập, trong đó xác định rõ, cụ thể trách nhiệm của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi đơn vị. Xử lý nghiêm, dứt điểm những hạn chế, thiếu sót, vi phạm còn tồn tại trong công tác quản lý, vận hành quỹ nhà tái định cư; thực hiện các giải pháp để khắc phục những hạn chế, bất cập trong thời gian qua. Ban cũng đề nghị TP, chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, xử lý trách nhiệm và có biện pháp khắc phục đối với 147 căn hộ do đơn vị quản lý, vận hành tự ý cho dân vào ở; 174 căn hộ bố trí cho Tập đoàn Nam Cường tạm cư tại khu chung cư Nam Trung Yên chưa thu tiền. Chỉ đạo kiểm tra, rà soát các căn hộ còn trống chưa bố trí dân vào ở để có giải pháp sớm đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu nhà tái định cư của TP, sử dụng hiệu quả quỹ nhà đã có và thu hồi vốn ngân sách đã bỏ ra xây dựng, tránh lãng phí, thất thoát…

l Chiều 27/8, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội đã khảo sát tình hình, kết quả thực hiện di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường tại quận Thanh Xuân.

Theo lãnh đạo phòng TN&MT quận Thanh Xuân, sau khi rà soát, trên địa bàn quận có 20 cơ sở thuộc đối tượng phải di dời do ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch chung. Quận cũng đánh giá trong số này có 4 cơ sở có khả năng gây ô nhiễm môi trường là Công ty Cao su sao Vàng, Công ty CP Bột giặt Lix; Công ty Unilever chi nhánh Hà Nội và Công ty Thuốc lá Thăng Long, còn lại thuộc diện di dời theo quy hoạch. Thời gian qua, UBND quận cũng đã giao cho phòng chuyên môn thông tin, trả lời liên thông các thắc mắc của DN; đồng thời các DN cũng chủ động xin chủ trương và lập kế hoạch di dời. Đến nay, một số đơn vị thực hiện di dời xong, số khác đang di dời, tuy nhiên vẫn chậm so với kế hoạch đề ra. Ban Kinh tế - Ngân sách đề nghị quận cần bám sát hướng dẫn của Sở TN&MT để thống kê đầy đủ các cơ sở sản xuất thuộc 17 ngành nghề gây ô nhiễm môi trường cần phải di dời; phối hợp với các sở, ngành để đưa ra phương án, lộ trình, báo cáo TP.