Khuyến khích phản ánh bất cập
Thời gian qua tại một số địa phương đã xảy ra các tình huống đèn giao thông bị lỗi như: đếm hết giây mà đèn đỏ vẫn không chuyển màu hoặc bất ngờ chuyển màu từ xanh sang đỏ.
Ngày 12/1, mạng xã hội lan truyền clip ghi cảnh ùn tắc giao thông tại nút giao Võ Chí Công - Lã Xuân Oai trong Khu công nghệ cao TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Nguyên nhân do đèn tín hiệu bị lỗi nhưng lái xe sợ vi phạm nên không dám lưu thông. Tất cả phương tiện dừng lại chờ đèn tín hiệu hoạt động dẫn đến ùn tắc cả hai phía.
Trước đó, ngày 10/1, tại giao lộ QL22 - Giáp Hải, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh, đèn đỏ cũng bất ngờ tắt mà không chuyển vàng khiến dòng người chờ đợi kéo dài, nhiều người dân lo ngại bị phạt đã xuống xe, dắt bộ qua giao lộ để tiếp tục hành trình.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra ngày 2/1 trên QL51 qua tỉnh Đồng Nai, đèn tín hiệu bị mất nguồn điện, nhảy thời gian loạn xạ khiến dòng xe ùn tắc dài cho đến khi CSGT đến điều tiết, phân luồng, giao thông mới trở lại bình thường.
Tại Hà Nội, chiều 3/1, trên một trang Facebook chuyên về giao thông, tài khoản Ngô Quang Vũ đã đăng tải đoạn video ghi lại cảnh đèn tín hiệu giao thông tại nút giao Hoàng Quốc Việt - Phạm Văn Đồng, quận Cầu Giấy đang từ 17 giây màu xanh bỗng chuyển sang đỏ. Lúc này một số phương tiện đã không kịp dừng lại.
Một trường hợp khác được ghi nhận trên đường Vũ Trọng Khánh, quận Hà Đông vào ngày 2/1, đèn xanh đang từ 22 giây bỗng nhảy sang đỏ. Một số nút giao khác ở Hà Nội cũng được phản ánh có hiện tượng "nhảy đèn", như: Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi; Phạm Hùng - Đỗ Đức Dục; ngã ba Nguyễn Hữu Thọ - Giải Phóng...
Về biển báo giao thông, tại nhiều tuyến đường ở Hà Nội và các TP lớn hiện nay cũng vẫn còn tình trạng bị che khuất tầm nhìn bởi cây xanh, biển hiệu. Biển báo cấm ô tô tải và ô tô khách được đặt tại một số ngã 3, ngã 4 ở quận Hà Đông, Hà Nội kèm theo tấm biển phụ chỉ dẫn phương tiện chi chít chữ được phản ánh rất khó đọc khi lưu thông. Nếu không quen đường và thiếu quan sát, tài xế rất dễ vi phạm.
Theo anh Lê Tài (quận Nam Từ Liêm), việc biển báo bị che khuất hoặc không có biển nhắc lại khiến các tài xế đặc biệt là xe lớn khó khăn khi tuân thủ quy định của biển báo. Cũng vì lí do này mà nhiều tài xế đã chạy quá khu vực lối ra trên cao tốc và quay đầu xe dẫn đến gây nguy hiểm cho người khác và bị phạt rất nặng. Do đó, việc rà soát lại các bất cập về biển báo trên các tuyến đường là cần thiết để đảm bảo an toàn giao thông.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng cho hay, đèn tín hiệu và biển báo là nội dung quan trong trong tổ chức giao thông. Dù công tác duy tu, bảo trì được tiến hành cả định kỳ lẫn đột xuất nhưng do nhiều yếu tố cả chủ quan lẫn khách quan như: đèn tín hiệu giao thông đã cũ hoặc bị mất điện dẫn đến chập chờn hay cây cối gãy đổ, biển hiệu quảng cáo che khuất tầm nhìn, bị va chạm giao thông dẫn đến hư hỏng, cong vẹo vẫn tồn tại ở nhiều tuyến đường. Để nâng cao hiệu quả xử lý bất cập, rất cần người dân chung tay phản ánh tình trạng đường sá để các đơn vị liên quan kịp thời xử lý.
Đại diện Phòng CSGT Công an Hà Nội cho biết rất khuyến khích người dân hỗ trợ cung cấp thông tin phản ánh về sự cố, bất cập trong tổ chức giao thông để kịp thời kiểm tra, xử lý nhằm bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt trên các tuyến đường.
Hoàn thành trước 15/3
Liên quan vấn đề này, Văn phòng Chính phủ vừa Văn bản số 1364/VPCP-CN truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc rà soát, xử lý các tồn tại, bất cập trong tổ chức giao thông đường bộ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, cùng với Bộ Công an và UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tổng rà soát, giải quyết những bất cập trong hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông, cấp phép, bố trí các điểm dừng, đỗ, trông giữ xe... gây xung đột giao thông; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 15/3/2025.
Bộ GTVT vừa có công điện yêu cầu các cục: Quản lý đầu tư xây dựng, Đường bộ Việt Nam, Đường cao tốc Việt Nam; Sở GTVT các tỉnh, TP; Ban Quản lý dự án: 2, 6, 7, 85, Thăng Long, Mỹ Thuận, đường Hồ Chí Minh; Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC); nhà đầu tư, DN đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác quốc lộ, đường cao tốc theo hình thức đối tác công tư (PPP) tăng cường kiểm tra, rà soát, điều chỉnh và bổ sung hệ thống báo hiệu đường bộ nhằm bảo đảm trật tự ATGT đường bộ.
Cục Đường bộ Việt Nam cũng đã có văn bản yêu cầu Khu Quản lý đường bộ; Sở GTVT; VEC; nhà đầu tư, DN dự án BOT rà soát, điều chỉnh, sửa chữa, bổ sung, thay thế báo hiệu đường bộ trên các tuyến đường bộ theo quy định.
Đối với các dự án đầu tư xây dựng, sửa chữa và công việc khác thuộc lĩnh vực bảo trì chưa phê duyệt, chủ đầu tư, Ban QLDA chỉ đạo rà soát, điều chỉnh báo hiệu đường bộ trong hồ sơ dự án, thiết kế hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật phù hợp với Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia QCVN41:2024 về báo hiệu đường bộ.
Chủ đầu tư, Ban QLDA rà soát để điều chỉnh bổ sung vào các dự án đầu tư xây dựng, sửa chữa và bảo trì đã phê duyệt trước khi triển khai thực hiện lắp đặt báo hiệu đường bộ, sơn kẻ đường phù hợp với Quy chuẩn.
Đơn vị quản lý đường, rà soát, tháo dỡ các biển báo hiệu không cần thiết hoặc có nội dung không phù hợp, thay bằng biển báo theo đúng quy định, bảo đảm tính khoa học, hợp lý trong tổ chức giao thông. Đồng thời rà soát điều chỉnh lại các biển báo phụ nếu có nhiều thông tin gây khó khăn cho người tham gia giao thông.
Rà soát biển báo hiệu tại những vị trí đấu nối, nhất là đấu nối vào đường cao tốc, đấu nối tạm để thi công xây dựng; rà soát điều chỉnh, bổ sung biển báo hiệu khoảng cách xe an toàn trên các tuyến đường cao tốc.
Các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch bảo trì và kinh phí tổ chức thực hiện công trình sửa chữa, bổ sung hệ thống báo hiệu đường bộ, công trình ATGT trên quốc lộ, đường bộ cao tốc nhằm sớm đồng bộ đáp ứng Quy chuẩn QCVN41:2024.
Cục Đường bộ cũng yêu cầu các đơn vị phát hiện và khắc phục ngay những bất cập, hư hỏng về hệ thống báo hiệu đường bộ trên các tuyến và công trình ATGT, tại khu vực nút giao, trường học, vị trí có nguy cơ mất ATGT, đoạn đường có độ dốc cao, bán kính cong hẹp, tầm nhìn hạn chế, có chuyển hướng đường, khu vực trạm dừng nghỉ.
Các Khu Quản lý đường bộ hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện đối với các dự án xây dựng công trình đường bộ theo hình thức BOT và tuyến cao tốc do VEC quản lý, khai thác, nhằm bảo đảm tuân thủ quy định hiện hành và phát huy tốt chức năng báo hiệu cho người tham gia giao thông.