Rác "bủa vây" quanh dòng sông Lam

Văn Chương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sông Lam ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Nghệ An- Hà Tĩnh. Dòng sông trong xanh, gắn bó mật thiết trong đời sống người dân xứ Nghệ đang phải hứng chịu những tác động về môi trường, suy giảm nguồn lợi thủy sản.

Rác thải vứt tràn lan dưới cầu Bến Thủy
Rác thải vứt tràn lan dưới cầu Bến Thủy

Rác “bủa vây” chân cầu Bến Thủy

Cầu Bến Thủy bắc qua sông Lam, một địa danh được nhiều người biết đến. Vậy nhưng, dưới chân cầu, phía bờ Nam (thị trấn Xuân An, huyện Nghi xuân) đang phải hứng chịu một khối lượng rác thải rất lớn. Tại đây, bao bì, chai lọ, túi nilon, rác thải vật liệu xây dựng… vứt tràn lan, gây ô nhiễm môi trường.

Chân cầu Bến Thủy bị "bủa vây" bởi rác thải
Chân cầu Bến Thủy bị "bủa vây" bởi rác thải

Đặc biệt, mùa này nước sông Lam dâng cao. Theo đó, bãi rác tự phát dưới chân cầu Bến Thủy nước chảy lênh láng, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Rác thải tồn đọng lâu ngày, gặp mưa lũ trôi xuống sông Lam, khiến cho nước sông đứng trước nguy cơ ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của Nhân dân.

“Trước đây, khu vực cầu Bến Thủy thu hút rất nhiều người dân, du khách, đặc biệt là các bạn trẻ đến tham quan, chụp hình lưu niệm. Vậy nhưng, giờ đây, rác thải ô nhiễm môi trường, làm mất đi vẻ đẹp thơ mộng của sông Lam nên hầu như không có ai đến khám phá, trải nghiệm”, một người dân ở thị trấn Xuân An phản ánh.

Qua tìm hiểu được biết, hiện nay, thị trấn Xuân An đang huy động mọi nguồn lực xây dựng đô thị văn minh.Tuy nhiên, do không có khu xử lý rác thải sinh hoạt, việc tập kết, trung chuyển rác về nhà máy ở xã Xuân Thành chưa kịp thời, một bộ phận người dân thiếu ý thức đem rác ra sông Lam vứt bỏ. Vì vậy, lâu ngày rác thải dưới chân cầu Bến Thủy tồn đọng, ùn ứ, gây ô nhiễm môi trường.

Rác thải ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, việc đánh bắt thủy sản của ngư dân
Rác thải ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, việc đánh bắt thủy sản của ngư dân

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Xuân An Bùi Duy Tuyến cho biết, địa phương cũng đã tuyên truyền, nhắc nhở người dân phân loại rác thải sinh hoạt để đưa về nhà máy xử lý, không được vứt bừa bãi dưới chân cầu Bến Thủy. "Sắp tới, chúng tôi sẽ huy động các tổ dịch vụ môi trường và Nhân dân tiến hành thu dọn, đồng thời, lập biển cảnh báo cấm đổ rác, phòng, tránh ô nhiễm môi trường nước, không khí." - ông Bùi Duy Tuyến cho biết thêm.

Nỗi niềm nghề vạn chài

Hơn 60 tuổi, bà Ngô Thị Hợi ở xã Xuân Giang có hàng chục năm gắn bó với nghề sông nước. Bà Hợi cho biết, trước đây vùng ven bờ sông Lam các loài cá nước lợ, tôm, cua rất nhiều. Vậy nhưng, gần đây ngư dân rất ít khi vào vùng ven bờ buông câu, thả lưới vì rác thải trôi dạt về nhiều, phá hỏng ngư cụ.

“Nghề vạn chài cha ông truyền lại, nhưng hiện nay, nhiều gia đình không còn mặn mà gắn bó với nghề. Bởi sản lượng đánh bắt đạt thấp, nhiều thanh niên trai tráng trong làng đi làm ăn xa, hoặc buôn bán kinh doanh ở các chợ mới đủ tiền trang trải cuộc sống, sinh hoạt”, bà Hợi bộc bạch.

Nhiều thuyền nằm bờ vì nguồn lợi thủy sản trên sông Lam đang dần bị cạn kiệt
Nhiều thuyền nằm bờ vì nguồn lợi thủy sản trên sông Lam đang dần bị cạn kiệt

Một ngư dân xin được phép giấu tên cho biết, nguồn lợi thủy sản ở sông Lam đang dần bị cạn kiệt, đời sống ngư dân gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do tình trạng sử dụng kích điện, lưới bát quái đánh bắt thủy sản “tận diệt” đang diễn ra nhưng chưa được các cơ quan chức năng vào cuộc ngăn chặn, xử lý. 

Nghề vạn chài đang gặp nhiều khó khăn trong  mưu sinh trên sông Lam
Nghề vạn chài đang gặp nhiều khó khăn trong  mưu sinh trên sông Lam

Trời về chiều, bến sông Lam trở nên nhộn nhịp hơn. Đây là thời điểm các ngư dân chuẩn bị ngư cụ để khi màn đêm buông xuống là chèo thuyền đánh bắt cá trên sông. Ông Ngô Quang Vinh ở xã Xuân Giang cho biết, hiện tại, tàu công suất lớn vẫn chưa thể vươn khơi vì mọi người còn đắn đo chi phí xăng dầu, thời tiết trên biển không thuận lợi. Vì vậy, đa số ngư dân chỉ sử dụng thuyền nhỏ đánh bắt cá trên sông để nuôi sống qua ngày. 

Thuyền công suất lớn nằm bờ, thuyền nhỏ đánh bắt cá trên sông lại chịu nhiều ảnh hưởng do rác thải và tình trạng đánh bắt thủy sản tận diệt, hủy hoại môi trường. Điều đó, có thể thấy rằng, ngư dân làng vạn chài bên bờ sông Lam vẫn còn những trăn trở, lo toan trong công cuộc mưu sinh bằng nghề sông nước.

Bến sông làng vạn chài ở xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân
Bến sông làng vạn chài ở xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân

Trao đổi với phóng viên, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nghi Xuân Hoàng Tiến Anh cho biết, tình trạng vứt rác thải dưới chân cầu Bến Thủy gây ô nhiễm môi trường, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra, có phương án phối hợp với chính quyền thị trấn Xuân An tổ chức ra quân thu gom, xử lý.

“Riêng vấn đề sử dụng kích điện, lưới bát quái đánh bắt cá trên sông Lam mà dư luận phản ánh việc kiểm tra, xử lý khá phức tạp. Bởi tình trạng này thường diễn ra vào ban đêm, hoặc ở những khúc sông vắng người qua lại. Do đó, cần phải theo dõi nắm tình hình, để có phương án phối hợp với công an bố trí lực lượng, phương tiện ngăn chặn”, ông Hoàng Tiến Anh nói.

Sông Lam, đoạn từ cầu Bến Thủy về phía hạ lưu có nhiều cảnh đẹp thơ mộng, được xếp vào Nghi Xuân bát cảnh. Vậy nhưng, tình trạng vứt rác thải tràn lan gây ô nhiễm môi trường và việc khai thác, đánh bắt thủy sản trái phép đã gây nên nhiều hệ lụy với đời sống, sinh hoạt của Nhân dân. Hy vọng rằng, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng sớm vào cuộc kiểm tra, xử lý, góp phần trả lại vẻ đẹp, sự bình yên của  sông Lam, niềm tự hào trên quê hương xứ Nghệ.