70 năm giải phóng Thủ đô

"Rác" ngôn ngữ - Không chỉ trong lời nói

Chia sẻ Zalo

KTĐT - "Rác" ngôn ngữ đã "sống" trong lời nói của học sinh, sinh viên đang làm không ít phụ huynh giật mình, lo ngại. Nhưng thực tế, loại "rác" ấy đã không dừng ở lời nói, mà thâm nhập cả vào các xuất bản phẩm đang tràn lan trên thị trường.

Truyện tranh: Những từ ngữ cụt lủn

Mấy năm nay, các nhà xuất bản đua nhau in truyện tranh dành cho thiếu nhi, khiến thị trường nhan nhản loại ấn phẩm này. Điều này thể hiện khá rõ nét nhu cầu của lớp độc giả nhỏ đối với truyện tranh - tín hiệu mừng đối với văn hóa đọc, nhưng lại là điều đầy lo ngại khi mà các ấn phẩm bằng tranh cứ hiện diện ngày càng dày những ngôn từ  thiếu sự trong sáng của tiếng Việt.

Có thể gọi đó là hệ quả của sự cải biến. Người ta đưa vào các xuất bản phẩm cả tiếng nước ngoài nói kiểu "bồi", cả tiếng lóng, những lời thoại cụt lủn, cộc lốc đến "lệch chuẩn". Không chỉ những bản dịch từ truyện tranh nước ngoài có nội dung, hình ảnh thiếu thẩm mĩ, mà ngay cả truyện tranh Việt cũng có những lời lẽ trái với văn hóa Việt. Trong ấy đầy rẫy những kiểu gọi thầy giáo là "lão ấy", gọi bố mẹ là "ông già", "bà già", bạn bè thì "con nọ, con kia"… Không thiếu cả những từ ngữ ngoài giang hồ, kiểu như: "chiến",, "dính chưởng"… Điển hình như nhân vật bà nhũ mẫu trong "Truyện chàng hoàng tử và cô công chúa kỳ lạ" được vẽ là một bà già, nhưng lại được gán cho những câu nói rất… "teen". Khi hoàng tử và công chúa gặp nhau, quá vui sướng vì hai người đã yêu nhau, bà già thốt lời: "Hic, đôi trẻ thật đáng thương"… Công chúa cũng "Hic, ta nhớ chàng quá!"… Già trẻ, bất kể lớp người nào cũng "hic" như nhau. Đấy là chưa kể trong rất nhiều truyện tranh khác, các nhân vật cứ vô tư nói những câu không chủ ngữ, "cá mè một lứa"… với nhau. Với độc giả lứa tuổi đọc truyện tranh, đây quả thực là một hiện tượng "lợi bất cập hại" khi đối diện với loại ngôn ngữ này.

Cổ tích cũng bị biến tướng

Có đọc những "Mẹ kể con nghe", "Truyện cổ Grim", "Truyện cổ tích Việt Nam", "Truyện cổ Andecxen"… bìa đẹp lung linh, giấy trắng tinh khôi của thời nay mới thấy giá trị của của những ấn bản ấy cái thuở chữ in li ti trên giấy đen sần sùi. Bởi những câu chuyện "Tấm Cám", "Cây khế", "Bầy chim thiên nga"… bị cắt xén một cách vô tội vạ. Chẳng những sự sinh động không còn, mà lắm khi cốt truyện cũng chẳng vẹn nguyên. Thế nên không ít người đã bần thần hàng giờ trong hiệu sách mà không chọn được quyển nào cho con...

Bây giờ, truyện cổ tích còn được "chế bản" thành truyện tranh. Tưởng là nỗ lực đầy sáng tạo ấy của các nhà làm sách sẽ mang lại một thế giới tưởng tượng hấp dẫn và tinh khiết cho trẻ nhỏ. Nhưng thật buồn khi nhiều câu chuyện cổ tích quen thuộc đã bị biến tướng, thêm thắt vào nhiều chi tiết mang tính hiện đại. Hình ảnh trong truyện phần lớn là những cảnh đánh nhau, thấm đẫm bạo lực. Cạnh hình vẽ là những đoạn hội thoại thật khó tả. Như trong truyện "Tấm Cám" có đoạn: "Tấm, mày hâm à, mày câm à, sao mày đâm thủng cái mâm…". Không những thế, trong truyện còn có những lời thoại kiểu như: "thấy chết liền", "bái bai"…  Chưa biết tác dụng, sức hấp dẫn của truyện tranh cổ tích đến đâu, chỉ thấy trước tiên là sự phản cảm và "lệch chuẩn".

Biến thành ngữ thành trò cười

Mới đây, cộng đồng mạng còn xôn xao trước ấn phẩm "Sát thủ đầu mưng mủ" - thành ngữ sành điệu" do Công ty truyền thông Nhã Nam & NXB Mỹ thuật ấn hành. Ở đó tập hợp 120 câu nói thông dụng của giới trẻ hiện nay như: "Ngất ngây con gà tây", "Phi công trẻ lái máy bay bà già", "Thuận vợ thuận chồng, con đông mệt quá", "Xấu nhưng biết phấn đấu", "Bộ đội thích chơi trội", "Không mày đố thầy dạy ai"… Kèm theo mỗi câu nói là một bức tranh minh họa. Cuốn sách đã gây ra làn sóng trái chiều từ dư luận bởi sự lệch lạc trong ngôn ngữ. Dù có bao biện rằng "để đọc cho vui", nhưng có lẽ người làm sách không hề đặt vấn đề "In tác phẩm ấy cho ai, có tác dụng gì".

Sau sự phản đối từ dư luận, cuốn sách đã nhận được quyết định thu hồi của nhà quản lý. Nhưng người ta vẫn không thôi đặt ra câu hỏi, tại sao những ấn phẩm như vậy, và cả những ấn phẩm chứa đầy "rác" ngôn ngữ kia lại cứ lọt qua khâu kiểm duyệt để có giấy phép xuất bản, ra trước bạn đọc. Không quá xa xôi khi nói rằng, nếu dễ dàng "bắt tay" với những ngôn ngữ "lệch chuẩn" này, có khác gì đang tự phá hủy sự trong sáng của Việt.