Người dân còn thờ ơ
Theo phương án phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải lây nhiễm phát sinh tại điểm cách ly, quản lý, theo dõi, khám và điều trị tại nhà đối với người nhiễm Covid-19 trên địa bàn, tất cả các loại chất thải phát sinh của F0 được coi là chất thải lây nhiễm. Trong đó, rác thải được thu gom vào túi đựng chất thải lây nhiễm màu vàng, buộc chặt miệng túi và tiếp tục bỏ vào túi đựng chất thải lây nhiễm màu vàng thứ 2, buộc kín miệng túi. Các túi màu vàng đều phải dán nhãn “Chất thải có nguy cơ chứa SARS–CoV-2" trước khi được đơn vị duy trì vệ sinh môi trường và Tổ Covid cộng đồng vận chuyển từ nhà có F0 đến các điểm tập kết tại địa phương.
Có thể nói, đây là quy định hết sức đúng đắn nhằm giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh.
Song, theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị cũng như phản ánh của người dân, hiện công tác phân loại, xử lý rác thải lây nhiễm tại một số khu vực trên địa bàn TP vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập.
Điều đáng nói, mặc dù chính quyền địa phương và các đơn vị chức năng đã nắm được thực trạng trên nhưng “lực bất tòng tâm” bởi không còn người để trải trên tất cả các mặt trận.
Chị Đ.T.H (phường Định Công, quận Hoàng Mai) người vừa hoàn thành việc cách ly điều trị Covid-19 tại nhà cho biết, sau khi có kết quả dương tính với Covid-19, UBND phường có yêu cầu chị ký cam kết thực hiện một số nội dung để đảm bảo quy định cách ly tại nhà, trong đó có quy định về phân loại rác thải lây nhiễm.
Thế nhưng, người dân có chấp hành theo các quy định đề ra hay không cũng không bị các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nên nhiều trường hợp F0 vẫn bỏ rác thải lây nhiễm lẫn với các loại rác thải sinh hoạt bình thường. Hơn nữa, thực tế cũng xảy ra trường hợp người dân phân loại rác thải lây nhiễm đúng quy định, song lại không được đơn vị thu gom xử lý đúng cách, gom chung với rác thải thông thường.
Lý giải về việc này, một lãnh đạo phường Định Công chia sẻ, hiện nay, mỗi ngày phường ghi nhận vài trăm ca dương tính với Covid-19. Toàn bộ hệ thống chính trị, nhân lực của phường đã phải làm việc 24/24 giờ để hỗ trợ lực lượng y tế thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Cũng theo lãnh đạo phường Định Công, phường đã nắm được tình trạng trên và thường xuyên nhắc nhở các trường hợp F0 chủ động phân loại rác, khử khuẩn trước khi bỏ rác ra ngoài. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn một số lượng lớn người dân thờ ơ, chưa chấp hành các quy định đề ra.
Không chỉ tại phường Định Công, theo ghi nhận của phóng viên tại một số địa bàn như quận Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Hà Đông… tình trạng các F0 và các gia đình có F0 chưa chấp hành quy định về phân loại rác lây nhiễm trong quá trình điều trị tại nhà vẫn diễn ra khá phổ biến. Điều đáng nói, tại hầu hết các địa phương, chi phí xử lý rác thải lây nhiễm phát sinh trong quá trình các F0 điều trị ở nhà đều do chính quyền các quận, huyện chi trả. Song, vì thói quen và tư duy xem nhẹ việc này nên tình trạng rác thải nguy hại chưa được phân loại, thu gom, xử lý đúng quy cách vẫn tiếp tục tái diễn.
Cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND phường Láng Thượng (quận Đống Đa) Phạm Thị Hồng Hải cho biết, đối với các trường hợp F0 điều trị tại nhà, chính quyền địa phương sẽ yêu cầu người dân cam kết thực hiện một số nội dung nhằm đảm bảo an toàn, tránh lây lan dịch bệnh trong quá trình cách ly. Trong đó, yêu cầu người dân chủ động hoặc nhờ Tổ Covid cộng động mua túi rác màu vàng để đựng rác lây nhiễm phát sinh trong quá trình điều trị. Tuy nhiên, do số ca dương tính nhiều, lực lượng mỏng, quá tải nên việc giám sát, yêu cầu các F0 thực hiện nghiêm các quy định trên gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Tống Việt Dũng – Phó Giám đốc Công ty CP Vật tư Thiết bị môi trường 13 (Urenco 13) – một trong những đơn vị phụ trách vận chuyển, xử lý chất thải lây nhiễm trên địa bàn TP cho biết, hiện tại, đơn vị chỉ ký hợp đồng vận chuyển, xử lý với UBND các quận, huyện và các tổ chức trên địa bàn TP, chưa thực hiện ký kết với cá nhân nào. Đối với trường hợp điều trị F0 tại nhà, các đơn vị phụ trách duy trì vệ sinh môi trường tại địa bàn đó sẽ phối hợp với chính quyền phường, xã sở tại rà soát từng hộ để tổ chức thu gom, vận chuyển đến điểm tập kết theo quy định.
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh dịch Covid-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều cán bộ tại cơ sở cũng đã trở thành F0, không thể trực tiếp tham gia điều hành, giám sát, cung cấp cho công nhân môi trường địa chỉ nhà có F0 điều trị tại nhà… Do đó, để hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh từ nguồn rác thải lây nhiễm, nếu chỉ trông chờ vào các lực lượng chức năng là chưa đủ. Để khắc phục tình trạng trên, mỗi người dân cần thực hiện nghiêm các quy định về phân loại, khử khuẩn rác thải trước khi vận chuyển ra khỏi nhà, nơi cách ly.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (Ban QLDAĐTXD) quận Hoàng Mai chia sẻ, có nhiều nguyên nhân khiến việc tổ chức phân loại, thu gom vận chuyển rác thải lây nhiễm phát sinh trong quá trình điều trị Covid-19 tại nhà còn bất cập. Trong đó, nguyên nhân đầu tiên đó chính là việc chưa ban hành được quy trình, định mức, đơn giá hoặc giá dịch vụ về phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải có nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Tiếp đó là ý thức của người dân trong việc tổ chức phân loại, khử khuẩn rác thải phát sinh trong quá trình điều trị Covid-19 tại nhà còn hạn chế.
“Trong hoàn cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, nếu rác thải lây nhiễm không được phân loại, xử lý theo đúng quy định sẽ là mầm mống để dịch bệnh tiếp tục bùng phát” – lãnh đạo Ban QLDAĐTXD quận Hoàng Mai nhấn mạnh.
Để khắc phục tình trạng trên, Ban QLĐTXD quận Hoàng Mai kiến nghị các đơn vị chức năng sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về định mức đơn giá để các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải lây nhiễm sớm ổn định hoạt động, thực hiện tốt hơn nữa các chế độ, chính sách với người lao động. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về phân loại rác thải lây nhiễm để tạo sức răn đe.
Ngày 28/2, Bộ Y tế đã có Công văn số 922/BYT-MT gửi Bộ TN&MT, UBND các tỉnh, TP về việc tăng cường quản lý chất thải với các trường hợp mắc Covid-19 tại nhà. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương triển khai các giải pháp tăng cường kiểm tra việc vận chuyển, xử lý chất thải trong phòng, chống dịch Covid-19 theo thẩm quyền, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Đồng thời chỉ đạo các cấp, ngành và đơn vị liên quan tại địa phương thực hiện quản lý chất thải phát sinh đối với các trường hợp F0 đang quản lý tại nhà gồm: Xây dựng phương án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải phát sinh, hướng dẫn việc phân loại chất thải…