Các chuyên gia môi trường đánh giá, đây là một loại rác có nguy cơ và mức độ độc hại cực lớn nếu không được thu gom và xử lý đúng cách.
Thải chất cực độc ra môi trường
Theo thống kê của Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc, mỗi người dân Việt Nam thải ra trung bình 1,3kg rác thải điện tử mỗi năm, tương đương 116.000 tấn. Những đồ điện tử tiêu dùng như ti vi, máy tính, thiết bị ngoại vi, thiết bị âm thanh, điện thoại… chiếm tới 2% trong tổng số toàn bộ rác thải hiện nay. Mặc dù con số rất nhỏ nhưng nguy cơ và mức độ độc hại của những loại rác thải này lại không nhỏ. Các thiết bị điện và điện tử chứa các vật liệu, linh kiện và các hóa chất khác nhau. Các chất này hoàn toàn vô hại trong suốt thời gian sử dụng thiết bị. Tuy nhiên, chúng sẽ trở nên cực kỳ độc hại khi thiết bị được tháo dỡ hoặc mở ra để xử lý một cách không chuyên nghiệp như chì, thủy ngân… Các chất này có thể ngấm sâu vào lòng đất và mạch nước ngầm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người và để lại những hậu họa khôn lường cho môi trường. Trước thực trạng này, các chuyên gia về môi trường cho rằng những chương trình thu gom, công nghệ xử lý rác thải một cách an toàn và khoa học là vô cùng cấp thiết, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Bên trong thùng thu gom rác điện tử tại UBND phường Thành Công chỉ lác đác vài món đồ nhỏ. Ảnh: Vũ Cúc |
Theo GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, với việc gia tăng nhanh chóng lượng rác này tại Việt Nam, các ngành chức năng cần triển khai thực hiện các chính sách, quy định về thu gom và xử lý loại rác này một cách đồng bộ, cụ thể. Từ đó, phát triển các chương trình thu gom và tái chế bằng phương pháp chuyên nghiệp, khoa học tránh những tác động tiêu cực cho môi trường và sức khỏe con người. Vì bên cạnh việc thải ra các kim loại nặng độc hại, loại rác này cũng thải ra một lượng lớn các loại nhựa mà việc thu hồi, tái chế phế thải độc hại này hiện vẫn được tiến hành bằng những phương pháp thủ công, thô sơ thông qua các cơ sở thu gom, tái chế nhỏ lẻ, không bảo đảm về điều kiện, quy chuẩn. GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng cho biết thêm, khi rác điện tử được tái chế bằng những phương pháp chuyên nghiệp sẽ tiết kiệm nguồn tài nguyên khi chiết xuất được những kim loại quý hiếm như vàng, bạc, đồng…
Người dân vẫn thờ ơ
Ở Hà Nội, trung bình mỗi năm, các tổ chức, đơn vị, gia đình thải ra hàng trăm tấn rác thải điện tử lẫn trong rác thải sinh hoạt. Phần lớn số rác thải điện tử này được các cơ sở tư nhân ở ngoại thành khai thác, thu mua, xử lý thủ công không đúng cách, xả thải ra môi trường gây hại cho sức khỏe con người. Nhằm kêu gọi người dân cùng chung tay xây dựng môi trường xanh hơn cho Thủ đô thông qua các hoạt động thu gom, xử lý và tái chế chất thải điện tử chuyên nghiệp, an toàn. Chương trình Việt Nam tái chế (đơn vị thu hồi, xử lý miễn phí rác điện tử) phối hợp với Sở TN&MT Hà Nội phát động Tuần lễ thu gom rác thải và ngày hội tái chế trên địa bàn TP từ tháng 9/2015 và đặt thùng thu gom tại 5 điểm trên địa bàn quận Cầu Giấy và Ba Đình. Tuy nhiên, sau hơn một năm phát động, nhiều ý kiến cho rằng hiệu quả của Chương trình chưa cao.
Khảo sát thực tế tại 5 điểm thu gom rác thải điện tử miễn phí và dài hạn này thấy được những phản ánh này là đúng thực tế. Những thùng thu gom rác điện tử mặc dù rất nhỏ nhưng khi mở nắp nhìn vào bên trong thì chỉ có lác đác vài thứ đồ điện tử nhỏ như đài catset, máy ảnh, điện thoại di động... Ông Nguyễn Hữu Thuấn, bảo vệ Nhà văn hóa phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, nơi đặt thùng thu gom rác điện tử cho biết, cả phường rộng nhưng chỉ có một điểm thu gom, lại được đặt ở chỗ xa khu dân cư nên từ hồi đặt thùng đến nay, đơn vị thu gom mới chỉ mất hai lần đến chuyển đi, lần đầu được khoảng trên dưới 1 tạ, lần thứ hai thì ít hơn.
Tại điểm thu gom trong sân UBND phường Thành Công, quận Ba Đình cũng tương tự. Anh Nguyễn Văn Tuấn - nhân viên bảo vệ tại đây cho biết, thời gian đầu phường thường xuyên phát loa, tờ rơi tuyên truyền về điểm thu gom nhưng số người mạng loại rác này đến bỏ vào thùng rất ít, có khi cả tháng mới có người mang đồ đến bỏ.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, bà Miriam Lassernig - Đại diện của Việt Nam tái chế cho biết, thách thức lớn nhất khi thực hiện Chương trình là người tiêu dùng còn khá ngại mang thiết bị điện tử đến điểm thu gom vì họ cho rằng không mang lại lợi ích gì. Chính vì khó khăn này, với 10 điểm thu gom tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, sau gần 2 năm, Việt Nam tái chế mới chỉ thu gom được gần 4 tấn rác thải, chiếm một lượng rất nhỏ rác điện tử thải ra trên toàn quốc.
Nhiều chuyên gia môi trường cho rằng, thu gom rác thải điện tử hiện là loại hình thu gom mới. Khi ý thức người dân chưa cao, trong thời gian thí điểm cần có những phương pháp thu gom phù hợp như: thu gom tại nhà, thu mua với giá rẻ, đặt thùng thu gom ở những nơi thuận tiện, tích cực tuyên truyền... Từ đó người dân sẽ dần nâng cao nhận thức, hình thành thói quen và chủ động, tích cực hợp tác với các đơn vị thu gom, xử lý.