Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rác thải tràn lan ven sông Nhuệ

Bài, ảnh: Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuyến đường ven sông Nhuệ đoạn qua địa phận xã Cự Khê, huyện Thanh Oai thời gian qua xảy ra tình trạng đổ rác thải tràn lan gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường.

Hai bờ đều bị ảnh hưởng
Dọc tuyến đường đê ven sông Nhuệ đoạn qua xã Cự Khê đầy những bãi rác với túi lớn, túi bé được chất đống nằm ngổn ngang. Suốt một đoạn dài từ thôn Cự Đà tới thôn Khúc Thủy, cứ khoảng 50m lại có một bãi rác do người dân  đổ tràn ra ven sông. Khi chúng tôi về khảo sát, ghi nhận không ít trường hợp người dân vô tư đi đổ rác tại những bãi rác này. Một người dân khi được hỏi cho biết, do xã không có xe rác đi thu gom nên người dân chỉ biết đổ ra ven sông (?!).

Những bãi rác lớn được người dân tập kết ven sông Nhuệ đoạn qua xã Cự Khê, huyện Thanh Oai.

Theo quan sát, các đống rác không chỉ có rác thải sinh hoạt mà hỗn tạp cả vật liệu, phế thải sau xây dựng. Tình trạng đổ rác thải bừa bãi gây mất mỹ quan, khiến ven tuyến sông ngày một ô nhiễm. Vào những ngày trời nắng, nước sông bốc mùi hôi tanh rất khó chịu. Mặc dù khu vực người dân tùy tiện đổ, xả và tập kết rác thải tập trung chủ yếu ở phía bờ tả sông Nhuệ (địa phận xã Cự Khê), tuy nhiên, nhiều hộ dân sống ven bờ hữu thuộc xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì) cũng bị vạ lây. Chị Nguyễn Thị Ngân, thôn Thượng Phúc, xã Tả Thanh Oai cho biết, một vài năm qua, tình trạng ô nhiễm dòng sông Nhuệ ngày một trầm trọng. Những ngày trời nắng và có gió, các hộ sống ven sông Nhuệ đoạn này đều phải đóng kín cửa để tránh mùi hôi thối, xú uế tràn vào nhà. Người dân bức xúc, đã nhiều lần kiến nghị, nhưng… đâu vẫn hoàn đó (?).
Có xe rác nhưng không hoạt động?
Theo phản ánh của nhiều người dân, tại 3 thôn thuộc địa bàn xã Cự Khê đều có xe đi thu gom rác. Tuy nhiên, khoảng 3 tháng nay, xe rác đã không còn hoạt động nữa. Ông Đặng Văn Thưởng, thôn Khúc Thủy chia sẻ, nguyên nhân có thể là do một số hộ dân trên địa bàn không chịu đóng phí VSMT với mức thu khoảng 5.000 đồng/người/tháng. Điều đáng nói, Cự Khê hiện cũng chưa có điểm tập kết rác tập trung theo quy định.     
Lý giải về việc thiếu điểm tập kết rác, Chủ tịch UBND xã Cự Khê Đặng Anh Phương cho biết: Do quỹ đất của địa phương không còn! Khi chúng tôi đề cập tới phản ánh của người dân về việc “có xe rác nhưng không hoạt động”, ông Phương cho rằng, phản ánh đó không chính xác: Xã Cự Khê hiện có tổng số 44 xe rác, vẫn hoạt động thu gom rác với tần suất 3 ngày/tuần. Rác được tập kết tại ven đường trục CIENCO 5, địa phương ký hợp đồng với Công ty CP Dịch vụ môi trường Thăng Long để chuyển đi xử lý. Dù biện giải như vậy nhưng ông Phương lại thừa nhận tình trạng người dân xả rác ra ven sông Nhuệ là vẫn còn, tuy nhiên đó "chỉ là một bộ phận nhỏ người thiếu ý thức" (?).
Theo số liệu trong báo cáo đánh giá tỷ lệ thu gom rác của xã Cự Khê đã đạt khoảng 97%. Tuy nhiên, tình trạng rác thải thực tế đặt ra câu hỏi đối với tính xác thực của văn bản thống kê này. Liên quan tới giải pháp lâu dài nhằm xử lý triệt để tình trạng tập kết rác chưa đúng quy định, ông Phương cho biết, xã đang kiến nghị UBND huyện Thanh Oai bố trí quỹ đất khoảng 5.000m2 để xây dựng bãi tập kết rác kết hợp chứa và trung chuyển vật liệu xây dựng. Bên cạnh tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, địa phương cũng sẽ khẩn trương tiến hành thu gom toàn bộ rác thải hiện người dân tập kết không đúng nơi quy định nhằm trả lại cảnh quan cho hai bờ sông Nhuệ.