Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rằm tháng Bảy: Làng nghề tất bật, phố Hàng Mã ế ẩm

Minh An - Vy Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Rằm tháng Bảy, trong khi phố Hàng Mã vắng vẻ, tiểu thương chấp nhận giảm giá để cạnh tranh thì tại làng chuyên làm vàng mã Song Hồ (Bắc Ninh) số lượng bán ra gấp 3 – 4 lần những tháng bình thường.

Tiểu thương ngao ngán

Hàng năm, cứ đến tháng Bảy Âm lịch, phố Hàng Mã (phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) lại tấp nập khách mua bán, nhất là trước dịp Lễ Vu Lan. Tuy nhiên, dù 2 năm đại dịch Covid-19 đã qua đi, năm nay Hàng Mã vẫn còn đìu hiu, ế ẩm.

Sản phẩm vàng mã bày bán trên phố Hàng Mã.
Sản phẩm vàng mã bày bán trên phố Hàng Mã.

Theo ghi nhận của phóng viên KT&ĐT, trong dịp này, tiểu thương tại phố Hàng Mã liên tục nhập hàng mới về liên tục để bán cho ngày Lễ Vu Lan báo hiếu. Trong đó, nhiều sản phẩm được thủ công với mẫu mã mới, không trùng lặp các năm trước, được các tiêu thương lựa chọn để thu hút khách mua. Anh Lê Đức Nam (45 tuổi, chủ cửa hàng vàng mã) cho biết: “Các mặt hàng như quần áo, giày dép, mũ nón có giá dao động từ 35.000 - 40.000 đồng. Còn các loại như laptop, điện thoại, tivi, nhà cao tầng, tủ quần áo, máy bay, ô tô tùy thuộc vào chất liệu và kiểu dáng có giá từ vài trăm đến vài triệu đồng”.

Tiểu thương tại Hàng Mã chào mời khách mua hàng.
Tiểu thương tại Hàng Mã chào mời khách mua hàng.

Bà Bùi THị Yến (tiểu thương tại Hàng Mã, Hà Nội) cho biết: “Năm nay để phục vụ Lễ Vu Lan và Tết Trung thu, chúng tôi đã nhập hàng về từ lâu, mặt hàng rất đa dạng, nhưng mà bán đìu hiu, ế ẩm lắm. Tầm này khi chưa có dịch Covid-19 thì rất đông khách mua rồi. Giờ chỉ có chờ vào đúng sát ngày lễ thì may ra mới bán được hàng”.

Lý giải nguyên nhân lượng khách giảm sút, nhiều tiểu thương cho biết, vài năm nay, việc đốt vàng mã được cơ quan chức năng và chùa chiền kêu gọi hạn chế nên thị trường vàng mã giảm nhiệt. Hơn nữa, hiện nay nhiều người có xu hướng hạn chế mua đồ vàng mã hơn vì vừa tiết kiệm vừa bảo vệ môi trường dẫn đến tình trạng đìu hiu, vắng khách mua hàng ở con phố này.

Làng nghề nhộn nhịp

Khác với khung cảnh vắng vẻ ở phố Hàng Mã, những ngày này, làng vàng mã Song Hồ (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) tấp nập xe cộ tới mua hàng để phục vụ nhu cầu tâm linh của người dân cho dịp Rằm tháng Bảy Âm lịch.Do mặt hàng vàng mã chiếm nhiều diện tích nên một số gia đình để nguyên liệu sản xuất ngay trên vỉa hè, sát mép đường do trong nhà đã quá chật không còn chỗ để. Chị Nguyễn Thị Hợp (tiểu thương tại xã Song Hồ) cho biết, với quan niệm “trần sao, âm vậy” nên các mặt hàng mã tại xã Song Hồ có đầy đủ các chủng loại từ giày, dép, quần áo đến nhà lầu, xe hơi. Dù được làm với nguyên liệu là giấy, hồ, tre, nứa… nhưng các sản phẩm đều được làm giống như thật, trau chuốt trong từng chi tiết nhỏ nhất.

Quang cảnh nhộn nhịp tại làng Song Hồ (Bắc Ninh).
Quang cảnh nhộn nhịp tại làng Song Hồ (Bắc Ninh).

Theo ghi nhận của phóng viên, không giống với các làng nghề khác mỗi gia đình ở Song Hồ làm vàng mã đều có một xưởng sản xuất riêng, đa phần họ chỉ làm một sản phẩm chuyên biệt. Chính vì vậy, việc cạnh tranh giữa các hộ sản xuất được giảm đi đáng kể. Công việc của những người dân xã Song Hồ những ngày này thường tất bật từ sáng đến khuya. Chị Nguyễn Thị Cần (sống tại xã Song Hồ - chuyên làm vàng mã kiểu nhà lầu) chia sẻ: Tháng Bảy âm lịch có ngày lễ Vu Lan báo hiếu và là tháng tưởng nhớ đến người đã mất nên lượng mua vàng mã tăng mạnh. Trong tháng này, gia đình tôi bán được lượng hàng gấp  3,4 lần những tháng bình thường".

Người dân Song Hồ tất bật làm các sản phẩm vàng mã.
Người dân Song Hồ tất bật làm các sản phẩm vàng mã.

Theo người dân địa phương, những mặt hàng đắt khách nhất vào dịp này là quần áo do nhà ai cũng phải thờ ông bà, tổ tiên. Các mặt hàng bán chạy nhất là giày dép, quần áo có giá từ 10.000đ đến 100.000đ/sản phẩm tuỳ theo kích thước. Các sản phẩm đắt tiền có giá lên tới 750.000đ. Sau đó là những mặt hàng về trang sức, ngựa, voi.

Thương lái thu mua các sản phẩm vàng mã tại làng Song Hồ.
Thương lái thu mua các sản phẩm vàng mã tại làng Song Hồ.

Ông Phạm Tuấn Anh, một thương lái từ Nam Định đến Song Hồ mua vàng mã cho biết, năm nay, giá cả của các sản phẩm không đắt hơn mọi năm nhưng nhộn nhịp hơn. "Từ đầu tháng đến giờ, tôi đã chạy được rất nhiều chuyến xe hàng. Tôi sẽ mang về địa phương bán cho người dân" - ông Tuấn Anh nói.

Cũng theo người dân nơi đây, ngay sau dịp Rằm tháng Bảy, các hộ gia đình sẽ tập trung sản xuất các sản phẩm để phục vụ trong dịp Tết Nguyên đán.

 

Để có một mùa Vu Lan báo hiếu an lành - an toàn, Công an TP Hà Nội khuyến cáo:  Nhân dân cần nâng cao ý thức chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy; tuân thủ việc đốt vàng mã tại nơi quy định. Khi thắp hương, người dân cần thắp hương cách xa trần nhà và các vật dụng dễ cháy; ban thờ phải làm bằng vật liệu chống cháy và có vách ngăn cháy lan. Tại các hộ gia đình, DN, các cửa hàng kinh doanh, các ki-ốt ở chợ, sau khi cúng lễ, người dân cần lưu ý tắt hết hương, đèn khi rời khỏi. Các tiểu thương phải đến khu vực riêng dành cho việc thắp hương tại chợ. Khi đốt vàng mã, người dân không nên đốt quá nhiều; phải sử dụng thùng kim loại (sắt, inox) có nắp đậy kín để tránh tàn lửa bay ra xung quanh và phải chờ vàng mã cháy hết, dùng nước vẩy lên tro để dập tắt lửa hoàn toàn… Tại các khu vực đền, chùa cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức PCCC cho những người làm việc phục vụ tại chỗ, phát trên loa tuyên truyền cho khách đến cúng, viếng, cùng có ý thức chấp hành về PCCC.