Hội nghị cũng thông qua một loạt các cam kết theo Nghị định thư Kyoto từ năm 2013. Thành quả này là phần quan trọng trong cái gọi là Gói thỏa thuận Durban nhằm tăng cường các biện pháp giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Hiện tại, theo Nghị định thư Kyoto, chỉ có các nước công nghiệp phát triển phải thực hiện các chỉ tiêu mang tính ràng buộc pháp lý về cắt giảm khí thải. Nghị định thư Kyoto sẽ hết hiệu lực cuối năm 2012, nhưng Hội nghị Durban đêm 10, rạng sáng 11/12 đã nhất trí gia hạn nghị định thư thêm 5 năm.
Các nhà đàm phán hiện vẫn còn tranh luận về câu chữ của nhiều mục thuộc lĩnh vực công nghệ cao nằm trong gói thỏa thuận bao gồm các mục tiêu giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, những quy định về thống kê rừng, chuyển đổi công nghệ xanh và khoản tiền dành hỗ trợ các nước nghèo ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu. Ngoài các cuộc tranh cãi về các chi tiết kỹ thuật, các cuộc đàm phán cũng bộc lộ những bất đồng sâu sắc giữa Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ. Mỹ muốn tất cả các nước có lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường đều được hỗ trợ theo cùng một chuẩn mực pháp lý về cắt giảm lượng khí thải. Trung Quốc và Ấn Độ cũng muốn đảm bảo gói thỏa thuận không cản trở sự phát triển kinh tế nhanh chóng của hai nước này. Ngoại trưởng Nam Phi Maite Nkoana Mashabane nêu rõ: "Chúng ta đều hiểu rằng những thỏa thuận tại Durban chưa hoàn hảo, nhưng chúng ta không nên để điều này làm mất đi những điều tốt đẹp và hy vọng. Các thỏa thuận này có thể góp phần giúp thế giới ứng phó với vấn đề biến đối khí hậu".
Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) đã đề xuất một thỏa thuận cắt giảm khí thải mới vào năm 2015 với sự tham gia của tất cả các nước phát thải khí độc hại nhiều trên thế giới và thỏa thuận này sẽ chính thức có hiệu lực từ năm 2020, theo đó sẽ cắt giảm 20% lượng khí thải trên toàn cầu. Nhưng đề xuất này vấp phải sự phản đối của nhiều nước, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ. Liên Hợp quốc cho rằng, việc chậm trễ đạt được một thỏa thuận mới trên toàn cầu về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ khiến cho mục tiêu kiềm chế nhiệt độ toàn cầu tăng không vượt qua giới hạn cho phép là 2 độ C trong thế kỷ tới trở nên khó khăn.