Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ranh giới mong manh

Na Uy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục của Bộ GD&ĐT đưa ra đang nhận được những luồng ý kiến đa chiều. Tuy nhiên, cô Nguyễn Thu Huyền – một giáo viên dạy tiểu học tại quận Hai Bà Trưng cho rằng, cần cụ thể hóa những điều trong Nghị định để giáo viên dễ thực hiện.

Cảnh giáo viên đánh học sinh được phát tán trên mạng. Ảnh cắt từ clip
Trong dự thảo Nghị định có quy định: Hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học bị phạt từ 10 – 20 triệu đồng, xâm phạm thân thể người học từ 20 – 30 triệu đồng. Bên cạnh đó, người vi phạm phải xin lỗi công khai, nếu là giáo viên thì bị đình chỉ dạy từ 1 – 6 tháng. Bày tỏ ý kiến của mình, cô Huyền cho rằng, cần thiết phải có một Nghị định để điều chỉnh hành vi sai lệch của nhà giáo. Nhưng, hiện nay, nhiều nhà giáo trở nên bối rối trong việc điều chỉnh mối quan hệ thầy – trò. Các phương pháp giáo dục cũ đã không còn phù hợp. Mỗi khi vụ việc xảy ra đều bị mạng xã hội phanh phui, dư luận chỉ trích nặng nề, các thầy, cô giáo lại thêm phần áp lực. Họ luôn mang trong mình tâm lý hoang mang, lo sợ bởi danh dự và hình ảnh nhà giáo bị tổn thương. “Sứ mệnh trồng người của giáo viên chưa bao giờ là dễ dàng. Nhưng, tôi không cho rằng việc đưa các lỗi thành luật để xử phạt là đang làm khó người thầy. Trái lại, điều này sẽ giúp các giáo viên biết mình được làm gì, không được làm gì để điều chỉnh cách dạy học, cách ứng xử cho phù hợp” - cô Huyền nói.
Tuy nhiên, thực tế giáo dục cũng đặt ra việc cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với học sinh. “Giáo viên chân chính không áp dụng bạo lực, nhưng đôi khi, người thầy sử dụng hình phạt để giúp học trò nhận ra cái sai của mình. Các hình phạt như phát vào mông, đánh vào tay, phạt đứng giơ tay không hề là bạo lực. Phải biết phân biệt đâu là bạo lực, đâu là răn đe. Bạo hành học sinh thì đúng là không nên, nhưng phạt để học sinh tiến bộ và không gây tổn hại tới tinh thần, sức khỏe và sự phát triển của trẻ thì không thể không có. Nhưng đôi khi đây cũng là ranh giới mong manh giữa phạt và bạo hành” – cô Huyền nhấn mạnh.

Vì vậy, theo cô Huyền, Nghị định cần cụ thể hóa chi tiết, quy định rõ thế nào là xúc phạm thân thể, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của học sinh, các mức độ vi phạm, trường hợp nào thì sử dụng hình phạt bổ sung, trường hợp nào thì được miễn phạt. “Từ đây, giáo viên sẽ hiểu rõ hơn về quyền hạn của mình, xử lý sự việc đúng cách, chịu phạt công minh giống hệt như khi học trò phạm lỗi, giúp giáo dục phát huy hiệu quả” - cô Huyền bày tỏ.