Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rào cản cho AI tại Việt Nam: Vẫn là bài toán nhân lực

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Được xác định là công nghệ cốt lõi cho chuyển đổi số quốc gia, trí tuệ nhân tạo (AI) là hướng đi mà Việt Nam bắt buộc phải thực hiện. Nhiều tiềm năng cũng như cơ hội là những gì AI đang có tại Việt Nam, nhưng bên cạnh đó cũng còn có rào cản lớn đến từ nguồn nhân lực phục vụ cho công nghệ này.

Tiềm năng AI Việt

Với tầm bao phủ toàn cầu, cuộc Cách mạng 4.0 được coi là bước ngoặt sẽ thay đổi toàn bộ đời sống xã hội cũng như hoạt động kinh tế sang môi trường số hóa với vô số công nghệ đột phá. Trong đó, AI được xem là công nghệ cốt lõi và không thể thiếu với các quốc gia thực hiện chuyển đổi số một cách toàn diện. Đặt ra mục tiêu chuyển đổi thành một quốc gia số, Việt Nam chắc chắn không thể bỏ qua việc phát triển trí tuệ nhân tạo.

Nhận thấy tầm quan trọng của AI, ngay từ đầu 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành “Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030”. Trong đó xác định phải đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam. Đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng AI trong khu vực ASEAN và trên thế giới.

 Robot Trí Nhân, người máy ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI do Việt Nam sản xuất
Đáng chú ý, cơ quan nhà nước được xác định là khu vực tiên phong ứng dụng AI, điều không thường thấy ở những làn sóng công nghệ mới như trước đây. Cụ thể, đến năm 2025, AI sẽ được ứng dụng rộng rãi trong hành chính công, dịch vụ trực tuyến giúp giảm thời gian xử lý công việc, nhân lực bộ máy, giảm thời gian chờ đợi và chi phí của người dân. Cùng với đó, AI được xác định là công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống quản lý hành chính nhà nước trong phân phối, sử dụng và quản lý xã hội cũng như quản lý đô thị, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Nắm bắt được nhu cầu về AI sẽ “bùng nổ” trong thời gian tới, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Việt Nam đã và đang tập trung đầu tư vào lĩnh vực này. Tiêu biểu là FPT, bắt tay vào phát triển AI từ 2013, tới nay đã có hơn 100 doanh nghiệp sử dụng các giải pháp trí tuệ nhân tạo của Tập đoàn này để phục vụ cho hơn 14 triệu người.

Không chỉ vậy, để hiện thực hóa khát vọng trở thành công ty hàng đầu thế giới về AI, FPT dự kiến sẽ chi khoảng 300 tỷ đồng cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo trong vòng 5 năm tới. Đồng thời đẩy mạnh việc đào tạo nhân lực AI khi bắt tay hợp tác với Viện nghiên cứu Mila - một đơn vị hàng đầu thế giới về AI của Canada - nhằm đào tạo và trao đổi nguồn nhân lực chất lượng về trí tuệ nhân tạo.

Ngoài ra còn phải kể đến hàng loạt các doanh nghiệp lớn khác của Việt Nam cũng đang tạo dấu ấn cụ thể của mình với AI như: Vingroup ứng dụng thành công AI vào công nghệ cho xe tự lái; Viettel sở hữu siêu máy tính có hiệu năng lên đến 20 triệu tỉ phép tính/giây; VNPT ứng dụng AI vào triển khai đô thị thông minh cho 30 tỉnh, thành phố; MK Group và Bkav tập trung trọng điểm cho camera AI …

Không chỉ là “sân chơi” dành riêng cho các doanh nghiệp lớn, những năm gần đây, AI Việt Nam còn có sự góp mặt của rất nhiều startup. Tiêu biểu là dự án khởi nghiệp về camera AI có tên HANET đã được định giá lên đến 100 tỷ đồng.

Ngoài ra, việc ứng dụng AI vào hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp cũng đang ở mức phát triển đáng chú ý. Hiện tại, AI đang chiếm khoảng 29% khối lượng công việc ở các ngành như thương mại điện tử, logistics, giáo dục, bất động sản, tài chính và nông nghiệp. Con số này cũng chỉ ra tiềm năng rất lớn của AI tại Việt Nam trong thời gian tới.

Thách thức nguồn nhân lực

Theo nhiều chuyên gia, việc phát triển AI không chỉ đòi hỏi kinh phí lớn mà còn cần nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào. Hiện tại, nhân lực AI cũng là những đối tượng được săn đón không chỉ bởi các doanh nghiệp trong nước mà cũng đang là “hàng hot” đối với những tập đoàn nước ngoài. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nguồn cung nhân lực AI đang ở mức rất thấp, chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu tuyển dụng.

Trên thực tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng 55.000 sinh viên công nghệ thông tin ra trường, nhưng chỉ có 30% trong số này có thể làm các công việc liên quan tới AI. Và để thực sự đáp ứng được cấp bậc chuyên gia trong AI, quá trình học tập và đào tạo chuyên sâu còn phải kéo dài hơn nữa. Số nhân lực ra trường và có thể đi làm được luôn là rất hiếm.

Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên vẫn là vấn đề muôn thủa của giáo dục trong nước khi việc đào tạo tại trường khác xa so với ứng dụng thực tế, đặc biệt là ở lĩnh vực cần thực hành và tiếp xúc công nghệ cao như AI. Hơn thế nữa, ngôn ngữ cũng là rào cản lớn khiến sinh viên khó tiếp cận với những tài liệu AI vốn quá chuyên ngành, từ đó hạn chế năng lực nghiên cứu.

Đứng dưới góc độ giáo dục, để giải quyết tình trạng trên, Giám đốc VinBigdata (Vingroup) Vũ Hà Văn cho rằng, cần phải có chương trình đào tạo chuyên nghiệp để tập trung cho ra lò những kỹ sư chuyên về AI. Cụ thể như ở VinBigdata đang có hẳn một chương trình dành riêng cho sinh viên sắp ra trường nhằm đào tạo nhân sự AI chất lượng cao.

Chương trình sẽ chủ yếu tập trung vào các lý thuyết chuyên sâu cũng như ứng dụng thực tiễn nhằm phát huy tối đa năng lực của các sinh viên tham gia. Bên cạnh đó người học còn có cơ hội tiếp xúc với các dự án AI đang được Vingroup triển khai như xe tự hành, nghiên cứu mã gen, phát triển trợ lý bác sỹ ảo …

''Hơn 90% sinh viên tốt nghiệp chương trình trên ở mức độ khá, giỏi có thể được giữ lại để làm việc cho chính Vingroup với mức lương hấp dẫn. Đồng thời, đây cũng sẽ là những nhân tố được Vingroup xây dựng để trở thành những chuyên gia dẫn dắt các dự án startup của mình trong tương lai'', ông Vũ Hà Văn nói.

Về phía cơ quan quản lý, Phó Vụ trưởng Vụ Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Phạm Như Nghệ cho biết, hiện tại Bộ đã có phối hợp với các trường đại học thực hiện chương trình đào tạo diện rộng về AI cả ở cập độ đại học và sau đại học. Những chương trình này sẽ có tiêu chuẩn cụ thể cho đầu ra cũng như tạo điều kiện để trao đổi nguồn lực AI với các quốc gia trong khu vực.

Trong quá khứ, Việt Nam đã bở lỡ 3 cuộc cách mạng công nghiệp với hàng loạt công nghệ mới mà những thay đổi lịch sử này mang lại. Để rồi sau đó chúng ta phải mòn mỏi chạy theo để học cách sử dụng lại những công nghệ trên. Liệu điều này có một lần nữa lặp lại với cuộc Cách mạng 4.0 mà ở đây cụ thể là tương lai mà AI có thể mang lại ? 

Để trả lời cho câu hỏi trên, vấn đề lớn nhất chính nằm nguồn nhân lực dành cho AI. Nếu chuẩn bị đầy đủ, Việt Nam có cơ hội trở thành một quốc gia phát triển về AI với những ứng dụng vượt bậc mà công nghệ này mang lại. Tuy nhiên, nếu sự thiếu hụt ở hiện tại vẫn tiếp diễn ở tương lai, chúng ta hoàn toàn sẽ bị tụt hậu lại phía sau và việc bỏ lỡ chuyến tàu AI để tiến tới sự thịnh vượng sẽ thành sự thật.