Rào cản đối với người thu nhập thấp tạo dựng nhà ở

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê của Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA), giá nhà ở TP này cao gấp từ 20 - 25 lần so với mức thu nhập bình quân của người dân, trong khi ở các nước phát triển ở mức 5 - 7 lần. Điều đó đã tạo ra rào cản đối với người có thu nhập thấp muốn tạo dựng nhà ở.

Nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp tại TP Hồ Chí Minh vẫn rất cấp thiết. (Ảnh minh họa).
Theo Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu, ngoại trừ giai đoạn 2013 - 2016 thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ với gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, hiện nay Nhà nước vẫn đang thiếu những chính sách về tín dụng hỗ trợ người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị tạo lập nhà ở, trước hết đối với người mua căn nhà đầu tiên.
Tại các đô thị các sản phẩm nhà ở thương mại loại vừa và nhỏ (1 - 2 phòng ngủ) có giá vừa túi tiền (khoảng 2 tỷ đồng trở lại) đang rất thiếu; đồng thời thiếu nhà ở xã hội và thiếu cả nhà cho thuê giá thấp.
Riêng TP Hồ Chí Minh đang thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho một số đối tượng cán bộ công chức, viên chức nhà nước, với suất được vay lên đến 900 triệu đồng, lãi suất vay 4,7%/năm trong thời hạn 15 năm để mua nhà, (suất vay năm 2006 là 400 triệu đồng, sau lên 600 triệu đồng và hiện nay là 900 triệu đồng). Đến nay, đã giải ngân được khoảng 1.500 tỷ đồng cho hơn 4.000 người (chủ yếu là ngành y tế, giáo dục).
Kết quả này đáng khích lệ, nhưng cần có nguồn lực lớn hơn để giải quyết cho nhiều người hơn để đảm bảo công bằng trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Chính sách này cần được nhân rộng, nếu trở thành chính sách chung, áp dụng cho tất cả đối tượng có thu nhập thấp tạo lập căn nhà đầu tiên (thuộc loại nhà có giá vừa túi tiền) thì sẽ góp phần đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở” - ông Lê Hoàng Châu chia sẻ.
Bên cạnh đó, HoREA cũng cho rằng, nhu cầu cải thiện nhà ở của hộ cận nghèo và hộ nghèo tại TP vẫn còn cao. Tổng số hộ cận nghèo và hộ nghèo đã giảm mạnh trong 10 năm qua, nhưng vẫn còn khoảng 26.600 hộ, chiếm tỷ lệ 1,36% đang ở trong các căn nhà thiếu kiên cố, nhà đơn sơ trên và ven kênh rạch, trong các khu vực lụp xụp, chung cư cũ hư hỏng nặng rất cần được cải thiện nhà ở và môi trường sống.
Đối với vấn đề nhà ở thương mại giá rẻ và nhà ở xã hội thì đang trở nên bức thiết đối với TP Hồ Chí Minh. Theo khảo sát của Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh có khoảng 476.158 hộ chưa có nhà ở hoặc đang sống chung với cha mẹ, người thân (chiếm tỷ lệ 23,46% tổng số hộ).
Cũng theo HoREA, để khắc phục tình trạng trên thì TP Hồ Chí Minh cần phải thực hiện một số giải pháp, gồm có: Tăng cường xã hội hóa đầu tư, huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế, nhất là khu vực tư nhân là phương thức hiệu quả nhất để phát triển nhà ở.
Thực hiện phổ biến phương thức đấu giá đất công khai hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư các dự án khu đô thị, khu dân cư, khu nhà ở; Nhà nước vừa là người ban hành "luật chơi", tạo "sân chơi", vừa đóng vai trò người điều phối để thực hiện các mục tiêu phát triển nhà ở, đảm bảo các lợi ích của người dân, doanh nghiệp và an sinh xã hội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần