Ùn tắc kéo dài
Phản ánh tới Báo Kinh tế và Đô thị, nhiều người dân thường xuyên di chuyển trên trục đường Tố Hữu cho biết, đoạn ngã tư Tố Hữu – Lương Thế Vinh (quận Nam Từ Liêm) bỗng nhiên bị dựng rào, đào bới làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc lưu thông khiến ùn tắc kéo dài, xung đột giao thông trên tuyến đường nhiều ngày qua.
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, tại ngã tư Tố Hữu – Lương Thế Vinh, đang được tiến hành thi công, đào bới, đất đá và khói bụi mù mịt. Bên trên khu vực đang thi công được đậy những tấm tôn lớn. Một phần công trường được dựng rào giữa ngã tư. Vào giờ cao điểm, ùn tắc xảy ra 4 hướng đường qua dự án, do phương tiện bị thu hẹp phần diện tích lưu thông. Hàng vạn phương tiện chen chân nhau, nhích từng tí một qua dự án vào giờ cao điểm.
Anh Nguyễn Thế Bằng, người dân sống tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm cho biết, ừ đầu tháng 10 đến nay, đơn vị này, tiến hành đào đường, đặt ống nước rồi san lấp lại bằng đá khiến mặt đường luôn trong tình trạng khói bụi mù mịt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.
Đáng nói, đơn vị thi công tại ngã tư nhưng không hề có bất kỳ biển thông báo nào trên tuyến đường xung quanh dự án, xung đột giao thông, va chạm giữa các phương tiện thường xuyên diễn ra. Đơn vị thi công bất chấp việc đảm bảo an toàn của người dân, khiến đường xá luôn trong tình trạng ùn tắc.
Chị Lê Thị Hà, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội cho biết: “Tôi hàng ngày phải đi làm qua tuyến đường này. Phần đường dành cho xe buýt nhanh BRT bị đào xới, rồi đậy tôn, rào chắn không ai được đi vào, xe buýt cỡ lớn phải rẽ ra để đi vào phần đường cho phương tiện khác. Ô tô, xe máy chen chân nhau vào cùng 1 làn đường hết sức nguy hiểm”.
Theo chị Hà, dự án được đào lên, rồi rào lại suốt hơn một tuần qua khiến cho tuyến đường này trở nên ùn tắc, nguy hiểm. Để di chuyển theo hướng Tố Hữu – Lê Văn Lương qua đoạn ngã tư này phải mất đến 30 phút.
Ngó lơ giấy phép thi công
Qua tìm hiểu, khu vực này đang thi công hạng mục đào đường ống cấp nước DN900 thuộc dự án Phát triển mạng lưới truyền tải cấp II số 1 – Hệ thống cấp nước sông Đà.
Theo Giấy phép số 342 của Sở GTVT cấp cho chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà, tại khu vực ngã tư Lương Thế Vinh - Tố Hữu, đơn vị thi công được phép rào chắn ngang đường Tố Hữu từng đoạn 5-6m, rộng 3m để thi công đường ống cấp nước, sử dụng mặt đường còn lại để phân luồng cho các phương tiện lưu thông hai chiều. Đối với 2 hố đào, rào chắn phải rộng 4x3m để thi công qua cống hộp 3x2m dọc đường Tố Hữu.
Sở GTVT TP Hà Nội yêu cầu, đơn vị thi công sử dụng rào chắn di động và phải thu hồi rào chắn trước 5 giờ sáng, sử dụng tấm tôn đậy hố để đảm bảo cho các phương tiện lưu thông bên trên. Ngoài ra, đơn vị thi công phải bố trí đầy đủ barie, cọc tiêu, biển báo, đèn báo hiệu, đèn chiếu sáng ban đêm trên đoạn đường thi công, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Văn bản của Sở GTVT còn nêu rõ, chủ đầu tư, nhà thầu thi công phải thực hiện lắp đặt biển báo chỉ dẫn, hướng dẫn phân luồng từ xa cách vị trí thi công 50m, ngã ba, ngã tư tại các vị trí thi công để đảm bảo an toàn giao thông.
Bố trí người hướng dẫn phân luồng giao thông 24/24 và người hướng dẫn phân luồng từ xa, để cảnh báo cho các phương tiện lưu thông. Đồng thời, thu dọn công trường, hoàn trả mặt bằng trước 5 giờ sáng. Tuy nhiên, mọi yêu cầu của Sở GTVT bị đơn vị thi công ngó lơ, khiến người tham gia giao thông qua khu vực này không khỏi hoang mang, lo lắng.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Công ty CP Giao thông 2 Hà Nội, đơn vị đang trực tiếp phụ trách duy tu bảo trì tuyến đường Tố Hữu và Lương Thế Vinh cho biết: “Đơn vị thi công có một số tồn tại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình giao thông qua khu vực dự án, như: Thi công đến 7 giờ sáng khi phương tiện đông đúc; lớp cấp phối đá dăm không được tưới ẩm, lu lèn khiến mặt đường không bằng phẳng trơn trượt, bụi bẩn mất an toàn giao thông, tập kết vật liệu xây dựng trên vỉa hè dành cho người đi bộ”.
Theo vị đại diện này, đơn vị đã có văn bản gửi Ban Quản lý dự án nước sạch sông Đà đề nghị yêu cầu đơn vị thi công tạm dừng việc thi công đào đường, thảm hoàn trả mặt bằng tại các vị trí đã thi công và thực hiện nghiêm túc các biện pháp đảm bảo an toàn, đúng theo giấy phép thi công đã được cấp.