Qua khảo sát của phóng viên, thời điểm này, các trường THPT ở Hà Nội cơ bản đã hoàn tất Phiếu đăng ký dự thi và gửi dữ liệu về Sở GD&ĐT Hà Nội.
Hướng dẫn kỹ
Chưa mùa tuyển sinh nào lại có nhiều trường hợp thí sinh (TS) đáng lẽ đỗ đại học (ĐH) lại thành trượt như năm 2015. Hầu hết đều do xác lập sai đối tượng, khu vực ưu tiên trong tuyển sinh. Bên cạnh đó, nhiều sai sót, nhầm lẫn trong xác lập đối tượng ưu tiên của TS được các trường ĐH phát hiện khi nộp hồ sơ nhập học. Vì vậy, năm nay, các trường THPT ở Hà Nội đã tăng cường công tác tư vấn, hướng dẫn cho TS trong quá trình làm thủ tục dự thi. Đồng thời tư vấn hướng nghiệp, cung cấp thông tin cụ thể, thiết thực để TS có cơ sở lựa chọn ngành nghề phù hợp.
Năm ngoái, TS khá căng thẳng, lúng túng trong quá trình làm phiếu đăng ký dự thi thì năm nay có một tháng để hoàn chỉnh phiếu. Nguyễn Tuấn Anh - học sinh trường THPT Lê Quý Đôn (quận Đống Đa) cho biết, năm nay có thêm nhiều thời gian để tham khảo khối thi, chọn môn thi. “Em thấy khá thoải mái khi có nhiều thời gian để tham khảo cũng như lựa chọn môn thi, trường ĐH theo sở thích, khả năng của mình” - Tuấn Anh chia sẻ. Ông Nguyễn Quốc Hùng - Hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn (quận Hà Đông) cũng cho hay, rút kinh nghiệm năm trước, năm nay nhà trường chuẩn bị chu đáo hơn, chỉ dẫn kỹ về đăng ký các môn tự chọn, điểm ưu tiên… “Để tránh sai sót cho các em, trước khi cho TS khai phiếu dự thi, nhà trường in phiếu cho từng lớp, các em khai xong, trường nhập máy và in ra cho TS tự kiểm tra lại, sai ở đâu đánh dấu bút đỏ” – ông Hùng cho biết. Tương tự, ông Kiều Trung Tiến – Hiệu trưởng trường THPT Phan Đình Phùng (quận Ba Đình) chia sẻ, nhà trường tổ chức họp với phụ huynh một buổi, TS một buổi để hướng dẫn, quán triệt những điểm mới trong Quy chế thi THPT quốc gia. Năm thứ 2 thi THPT quốc gia nên giáo viên, TS không lúng túng như năm trước. Thời điểm này, thủ tục khai phiếu, thu phiếu cơ bản hoàn tất, trường đang hoàn thiện hồ sơ, dữ liệu để gửi về Sở đúng thời hạn.
Chọn thi Địa để... gỡ điểm
Theo khảo sát Phiếu đăng ký dự thi THPT quốc gia, xét tuyển ĐH, CĐ năm 2016 của một số trường trên địa bàn TP cho thấy, Lịch sử vẫn là môn có ít TS chọn để thi, hầu hết TS đăng ký thi Địa lý. Theo lý giải của giáo viên cũng như TS, chọn thi Địa lý dễ gỡ điểm và tránh được điểm liệt.
Ông Hùng lý giải: “TS chọn thi Địa lý nhiều cũng là điều dễ hiểu. Thi Địa lý dễ “ăn” điểm, bởi TS được đem Atlat vào phòng thi (câu này được 2 điểm), như thế sẽ tránh được điểm liệt. Hơn nữa, các dữ liệu của môn Địa lý dễ học, dễ nhớ”. Theo ông Hùng, việc nói TS không thi Sử vì chán Sử là sai, bởi Sử sẽ liên quan đến ngành học và công việc sau này. “Việc thi và học là hai việc khác nhau. TS rất quan tâm đến Sử, học sinh trường Lê Quý Đôn rất hào hứng với cuộc thi “Em yêu Lịch sử” do Sở GD&ĐT Hà Nội phát động mới đây, rất nhiều em được giải thưởng. Đây là minh chứng cho thấy, học sinh không thờ ơ với Sử” – ông Hùng nhấn mạnh. Cũng khẳng định TS chọn thi Địa lý để gỡ điểm, thầy Phùng Văn Tần – Hiệu trưởng trường THPT Lý Tử Tấn (huyện Thường Tín) cho biết, đa số TS chọn thi Địa lý, vì cho rằng đây là môn dễ gỡ điểm. Còn môn Lịch sử từ trước đến nay vẫn được coi “khó nhằn”, chỉ em nào thi khối C, đam mê thực sự mới chọn. “Hầu hết TS chọn giải pháp an toàn cho kỳ thi, tránh bị điểm “chết”. Hơn nữa, thi Sử, học Sử ra trường, cơ hội việc làm ít nên TS chủ yếu đăng ký dự thi Địa lý và Vật lý” – ông Tần chia sẻ.
Bản thân TS cũng thừa nhận, giờ học môn Lịch sử được chờ đợi hơn giờ học môn khác, nhưng rất ít TS lựa chọn môn học này để thi, cả trường chỉ có vài TS đăng ký. Là bởi học Lịch sử ra trường khó xin việc, cơ hội việc làm ít.
Giờ ôn tập của học sinh khối 12 trường THPT Tiền Phong. Ảnh: Phạm Hùng
|