KTĐT - Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đang có những nỗ lực để giảm bớt sự phụ thuộc của hoạt động ngoại thương Việt Nam vào các đồng tiền ngoại tệ truyền thống, nhất là USD.
“Chúng tôi hy vọng đến hết năm, nhập siêu không vượt quá hai con số.. nhưng đây cũng là mục tiêu rất khó”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết bên lề bàn tròn giữa Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng với lãnh đạo doanh nghiệp Việt-Trung tại Nam Ninh (Trung Quốc) ngày 20/10.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại
- Thứ trưởng đánh giá như thế nào về vấn đề nhập siêu của cả năm 2009 và kim ngạch thương mại với riêng Trung Quốc?
Năm 2009, chúng ta đang cố gắng phấn đấu để tỷ lệ nhập siêu không vượt quá ngưỡng 20% so với giá trị xuất khẩu, không vượt quá 10 tỷ USD.
Cho đến giờ phút này, 9 tháng chúng ta mới nhập siêu 6,5 tỷ USD. Chúng tôi đang hy vọng đến hết năm, nhập siêu không vượt quá 2 con số. Như thế, chúng ta phấn đấu tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu ở mức dưới 20%, thấp hơn năm 2008.
Tuy nhiên, đây cũng là mục tiêu rất khó trong bối cảnh nền kinh tế chúng ta chịu ảnh hưởng rất lớn từ khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới.
Trong năm 2009 này, mậu dịch giữa Việt Nam – Trung Quốc cũng chịu tác động từ khủng hoảng tài chính và cũng chịu tác động suy giảm. Chúng tôi cũng hy vọng tỷ lệ nhập siêu năm 2009 từ Trung Quốc không cao hơn năm 2008.
- Thưa Thứ trưởng, cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc đang bị mất cân đối khá lớn. Việt Nam cần có những giải pháp gì để xúc tiến thương mại với thị trường Trung Quốc trong những năm tới?
Như Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã nói, trong 10 năm kim ngạch buôn bán giữa hai nước đã tăng từ 2,5 tỷ USD, sang năm 2010 có thể đạt 25 tỷ USD. Đây là một sự tăng trưởng rất lớn.
Tuy nhiên, chúng ta đều biết, trong quan hệ thương mại Việt Nam và Trung Quốc có hiện tượng mất cân đối cán cân thương mại, Việt Nam đang nhập siêu từ Trung Quốc.
Tôi nghĩ rằng, việc tận dụng các cơ hội để xúc tiến thương mại tại Trung Quốc là một trong những hướng đi đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt Nam sang thị trường này, theo các con đường chính ngạch, cũng như đẩy mạnh quan hệ buôn bán biên mậu giữa các tỉnh biên giới Việt Nam với Trung Quốc, nhất là hai tỉnh Quảng Tây, Vân Nam.
Theo số liệu của Bộ KH-ĐT, nhập siêu cả nước 9 tháng qua là 6,542 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 41,7 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu khoảng 48,2 tỷ USD. Nhập siêu đang tăng dần trong những tháng cuối năm. 8 tháng đầu năm, con số này mới dừng ở mức 5,12 tỷ USD. Như vậy, chỉ tính riêng trong tháng 9 cả nước đã nhập siêu tới 1,4 tỷ USD. |
Tôi cho rằng, đây là một hình thức rất tốt để giúp các doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội giới thiệu sản phẩm cho người tiêu dùng và khách hàng Trung Quốc.
Việt Nam với hơn 100 doanh nghiệp, diện tích trưng bày trên 3.000m2 và là đoàn lớn nhất tham dự Hội chợ Trung Quốc-ASEAN (Caexpo) 2009, tôi nghĩ, đây là cơ hội để tìm hiểu đối tác và việc ký kết các hợp đồng xuất khẩu sẽ được tăng cường hơn so với các Hội chợ trước.
- Thứ trưởng đánh giá thế nào khi các doanh nghiệp Việt Nam tham gia ngày càng tích cực hơn vào các hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường mới nói chung, cũng như thị trường Trung Quốc nói riêng?
Chúng tôi đã xác định, năm 2009 để đối phó với khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, một trong những điểm mấu chốt trong nhiệm vụ đẩy mạnh xuất khẩu là phải cải tiến và nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến thương mại.
Trung Quốc là một trong những thị trường trọng điểm mà Bộ Công Thương đã giao cho Cục Xúc tiến thương mại, Vụ châu Á – Thái Bình Dương, Vụ hợp tác quốc tế, Vụ Xuất nhập khẩu tìm mọi biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đơn hàng, tìm kiếm hợp đồng, tìm kiếm bạn hàng để làm ăn lâu dài.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đang đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, nâng cao chất lượng cũng như hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại do Bộ đã phê duyệt, từ khâu chuẩn bị, đến khâu tổ chức triển khai, cũng như đánh giá hiệu quả các chương trình này tại những thị trường lớn như EU, Nhật Bản, hay các thị trường mới ở Trung Đông, châu Phi, châu Mỹ La tinh.
Khu triển lãm hàng Việt Nam tại Caexpo 2009. (Ảnh: Đan Tâm) |
Chúng tôi hy vọng, với nguồn tài chính sử dụng cho năm nay dồi dào hơn so với năm ngoái, thì hiệu quả của hoạt động xúc tiến thương mại sẽ đóng góp lớn hơn cho việc đẩy mạnh xuất khẩu để đối phó với khủng hoảng tài chính và những khó khăn do khủng hoảng đem lại.
Đa dạng hóa rổ ngoại tệ
- Thứ trưởng nghĩ thế nào về việc đẩy mạnh thanh toán các giao dịch thương mại trong khu vực bằng đồng Nhân dân tệ?
Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đang có những nỗ lực để giảm bớt sự phụ thuộc của hoạt động ngoại thương Việt Nam vào các đồng tiền ngoại tệ truyền thống, nhất là USD.
Trên thị trường Việt Nam, có những lúc đã xảy ra tình trạng căng thẳng trong mua bán USD, kể cả trên thị trường tự do cũng như liên ngân hàng.
Cho nên chúng tôi đã khuyến cáo các doanh nghiệp cần phải đa dạng hóa rổ ngoại tệ, không nên quá phụ thuộc vào đồng tiền USD, mạnh dạn áp dụng những phương tiện thanh toán khác, những đồng tiền thanh toán khác ngoài USD, ví dụ như đồng Euro, Yen Nhật, Bảng Anh và các đồng tiền khác.
Riêng với thị trường Trung Quốc, như đã biết, Chính phủ Trung Quốc đã giao cho tỉnh Vân Nam và tỉnh Quảng Tây xúc tiến ứng dụng việc thanh toán trong thương mại với các nước ASEAN bằng đồng Nhân dân tệ.
Hiện nay, phía Việt Nam, Bộ Công Thương đang cùng với Ngân hàng Nhà nước xúc tiến đẩy mạnh việc nghiên cứu các khả năng thanh toán sử dụng đồng Nhân dân tệ trong quan hệ thương mại với Trung Quốc.
Thanh toán giữa các doanh nghiệp buôn bán biên mậu hiện đã được Ngân hàng Nhà nước hai bên chính thức chấp thuận và cũng có rất nhiều hợp đồng thanh toán bằng Nhân dân tệ.
Hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam được nhiều khách hàng Trung Quốc quan tâm. (Ảnh: Đan Tâm) |
Ngân hàng Nhà nước cũng đang xây dựng một đề án để chính thức trình Chính phủ để xin phép triển khai thanh toán dùng các đồng tiền khác, trong đó có việc sử dụng đồng Nhân dân tệ trong thanh toán với các doanh nghiệp Trung Quốc.
Như vậy, chúng ta hạn chế được sức ép phải huy động một lực lượng lớn đồng USD trong thanh toán với doanh nghiệp Trung Quốc, trong bối cảnh chúng ta vẫn nhập từ doanh nghiệp Trung Quốc rất lớn.
- Năm tới, khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc sẽ bắt đầu khởi động. Theo Thứ trưởng, triển vọng thương mại trong khu vực sẽ như thế nào?
Thời gian qua, hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và Trung Quốc đã đàm phán và được triển khai theo từng giai đoạn, từ chương trình thu hoạch sớm, cho đến hiệp định về hàng hóa, hiệp định về dịch vụ và gần đây là hiệp định về đầu tư. Bắt đầu từ năm 2010, các khung khổ trong hiệp định về mậu dịch tự do giữa ASEAN – Trung Quốc sẽ được triển khai đồng bộ.
Chúng tôi cho rằng, đây là cơ hội rất tốt cho doanh nghiệp và Việt Nam để tận dụng cơ hội thị trường rộng lớn với trên 1,3 tỷ dân mà Trung Quốc đem lại. Tuy nhiên, tham gia vào khu vực mậu dịch tự do này cũng đặt ra những vấn đề rất lớn.
Đối với Việt Nam là khả năng cạnh tranh của bản thân doanh nghiệp cũng như của hàng hóa, dịch vụ. Bởi vì hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc rất rẻ và có sức cạnh tranh cao trong thị trường khu vực, cũng như Việt Nam.
Để tận dụng cơ hội đem lại từ khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc mang lại, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực từ phía doanh nghiệp, trong việc nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp mình, cũng như hàng hóa mà doanh nghiệp cung cấp cho Trung Quốc.
- Xin cảm ơn ông.