Rau quả Việt loay hoay bài toán chế biến

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát triển công nghiệp chế biến là giải pháp tối ưu để nâng cao giá trị nông sản, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Tuy nhiên, do thiếu những cơ chế đủ mạnh thu hút DN đầu tư nên ngành chế biến rau quả ở Việt Nam còn yếu, chưa xứng với tiềm năng.

Chế biến èo uột

Thông tin từ Bộ NN&PTNT, có tới 76% rau quả xuất khẩu đang ở dạng tươi hoặc sơ chế bảo quản là chủ yếu. Trong khi nhu cầu ăn uống của người dân trên toàn thế giới nói chung, châu Âu nói riêng đang nghiêng về sử dụng trái cây, rau củ đã qua chế biến. Đây là nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng thấp.

Nhà máy chế biến trái cây xuất khẩu của Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO). Ảnh minh họa
Nhà máy chế biến trái cây xuất khẩu của Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO). Ảnh minh họa

Việt Nam hiện có 150 nhà máy chế biến rau quả công nghệ hiện đại công suất chế biến đạt gần 1,1 triệu tấn/năm, chỉ chế biến được khoảng 8 - 10% sản lượng trái cây, rau củ mỗi năm. Ngoài ra, 3,4 triệu tấn được chế biến bởi 7.500 cơ sở chế biến bảo quản trái cây quy mô siêu nhỏ, hộ gia đình, những sản phẩm này khó đáp ứng chất lượng cho xuất khẩu.

Đơn cử như Hà Nội, toàn TP hiện có hàng nghìn cơ sở chế biến nông sản, nhưng 98% quy mô vừa và nhỏ, chủ yếu sản xuất thủ công. Số lượng dây chuyền sản xuất có công nghệ hiện đại cũng như hệ thống kho bảo quản rất hạn chế.

Điều này cho thấy chế biến nông sản của Hà Nội chưa xứng với tiềm năng của nông nghiệp Thủ đô cũng như những đòi hỏi từ tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) Đinh Cao Khuê cho hay, phát triển ngành rau quả theo hướng chế biến không chỉ giúp kiểm soát được giá thành, mà còn nâng giá trị hàng hóa lên gấp 3 - 4 lần so với mặt hàng tươi. Đặc biệt hoạt động này còn giúp tăng thời gian bảo quản nông sản, giải bài toán dư thừa cục bộ nguồn cung.

Tuy nhiên để làm được điều này đòi hỏi chi phí đầu tư không nhỏ, trong khi đa phần DN chế biến rau quả quy mô vốn rất nhỏ (hơn 80% số cơ sở dưới 2 tỷ đồng), không được ưu tiên về mặt bằng sản xuất. Trong khi đó, công tác bảo quản sau thu hoạch của người nông dân chưa chú trọng dẫn tới tổn thất sau thu hoạch hơn 20%.

Đáng nói, nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực chế biến rau quả sau thu hoạch phản ánh, chỉ khoảng 30% DN có khả năng tiếp cận vốn ngân hàng, những đơn vị còn lại quy mô vừa và nhỏ nên việc tiếp cận vốn vay không hề dễ dàng, cơ chế chính sách, mức hỗ trợ thấp.

Cần thêm cơ chế hỗ trợ DN

Đề xuất gỡ khó cho DN, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nafoods Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương cần đề xuất cấp thẩm quyền để có nguồn ngân sách tập trung ưu tiên hỗ trợ DN vay ưu đãi đầu tư vào hệ thống kho lạnh và đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển các nhà máy chế biến rau quả. Khi đầu tư nhà máy, DN cũng cần các cơ quan chức năng quản lý quy hoạch vùng trồng hợp lý, tránh tình trạng có nhà máy lại không có nguyên liệu.

Rau quả Việt loay hoay bài toán chế biến  - Ảnh 1
Rau quả Việt loay hoay bài toán chế biến  - Ảnh 2
 

Sản phẩm trái cây chế biến có giá gấp 3 - 4 lần so với mặt hàng tươi. Ảnh minh họa

Về vấn đề này, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên đề xuất, thời gian tới Chính phủ, các bộ, ngành cần hỗ trợ địa phương quy hoạch khu chế biến và có chính sách khuyến khích đầu tư; hỗ trợ về nguồn vốn cũng như chuyển giao công nghệ.

Ðặc biệt, hỗ trợ mạnh về vốn, kết nối giữa nông dân và DN xây dựng mô hình liên kết hiệu quả và bền vững tại vùng nguyên liệu; tăng cường quản lý vùng trồng, quản lý chất lượng vật tư, cây giống và cả quá trình sản xuất, chế biến để đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Khuyến nghị về giải pháp căn cơ, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Bộ NN&PTNT cần nghiên cứu đề xuất Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy liên kết chặt chẽ các khâu sản xuất - chế biến - tiêu thụ theo chuỗi giá trị; thu hút các DN có tiềm lực tài chính, công nghệ làm “đầu tàu” dẫn dắt hoạt động. Mặt khác, khuyến khích DN, hợp tác xã chuyển dịch cơ cấu sản phẩm theo hướng chế biến sâu, chế biến tinh, từ đó nâng tỷ trọng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, nhằm nâng cao năng lực chế biến nông sản, TP đã và đang triển khai nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích DN, hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực này.

TP cũng đặt ra những mục tiêu cụ thể như: Đến năm 2025, Hà Nội có 50% cơ sở sơ chế, chế biến nông sản ứng dụng công nghệ cao, bảo quản sản phẩm theo quy trình tiên tiến; đến năm 2030 hình thành 15 cơ sở chế biến nông sản gắn với chuỗi giá trị, có năng lực cạnh tranh; hình thành một khu phức hợp chế biến, bảo quản, kiểm định một cửa hỗ trợ sản phẩm xuất khẩu.

 

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, sản lượng rau quả thu hoạch hàng năm tại Việt Nam đạt trên dưới 31 triệu tấn. Tuy nhiên, sản lượng đưa vào chế biến mới chỉ đạt khoảng 4,5 triệu tấn, chiếm 12 - 17% trong tổng sản lượng rau quả cả nước.