Rau xanh tăng giá, mua hàng siêu thị được giảm thuế VAT

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Mặc dù trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song các mặt hàng thực phẩm tươi sống không tăng giá đột biến. Đặc biệt việc Chính phủ giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) cho hầu hết hàng hóa, dịch vụ sẽ có tác dụng kích cầu tiêu dùng.

Không tăng giá đột biến

Ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị ngày mùng 7 Tết Nhâm Dần (7/2) tại hệ thống chợ truyền thống như chợ Hôm Đức Viên ( Hai Bà Trưng), Thành Công ( Ba Đình), Kim Liên ( Đống Đa)... các mặt hàng thịt, thủy hải sản chỉ tăng nhẹ khoảng 5 - 7% so với những ngày áp Tết. Hiện thịt bò thăn loại I ở mức 290.000 - 430.000 đồng/kg, gà ta làm sẵn 90.000-100.000 đồng/kg; gà công nghiệp 60.000-70.000 đồng/kg;  giò lụa 200.000-210.000 đồng/kg, giò bò 250.000-260.000 đồng/kg, cá chép từ 65.000 - 80.000 đồng/kg, cá trắm cỏ từ 60.000 - 85.000 đồng/kg. Riêng mặt hàng thịt lợn giữ giá ổn định trước, trong và sau Tết, hiện giá thịt lợn dao động từ 130.000- 180.000 đồng/kg.

Rau xanh tăng giá, mua hàng siêu thị được giảm thuế VAT - Ảnh 1Người tiêu dùng mua thực phẩm tại chợ Kim Liên (Đống Đa)

Trong khi đó các loại, rau, củ, quả, trái cây giá bán tăng cao so với ngày thường, bắp cải tăng từ 7.000 đồng lên 15.000 đồng/chiếc; cải cúc, cải xanh, rau muống... dao động từ 10.000 đồng - 12.000 đồng/mớ (tăng từ 5.000 đồng - 7.000 đồng/mớ), cà chua giá bán tăng gấp đôi ngày thường lên 30.000 đồng/kg,  rau cần từ 7.000 đồng lên 20.000 đồng/mớ… Lý giải nguyên nhân rau xanh tăng giá, một số tiểu thương cho biết, những ngày này nhiều gia đình tổ chức liên hoan tân niên nên nhu cầu sử dụng nấm, rau xanh tăng cao trong khi nguồn cung còn hạn chế. Bên cạnh đó, thời tiết ở Hà Nội lạnh sâu và người bán không nhiều cũng là nguyên nhân khiến giá rau xanh tăng giá mạnh.

 

Thuế VAT là thuế gián thu, đánh vào người tiêu dùng cuối cùng, doanh nghiệp chỉ thu hộ số thuế này cho Nhà nước. Hiện việc giảm giá được thấy rõ nhất ở những nơi bán hàng hóa có hóa đơn chứng từ rõ ràng như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi... Trong khi đó, hệ thống chợ truyền thống, tạp hóa...chưa có mức giảm rõ nét. Do vậy, cơ quan quản lý cần tăng cường giám sát để người tiêu dùng được hưởng những ưu đãi này khi mua sắm tại hệ thống chợ truyền thống.  

Chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú

Tương tự, hệ thống siêu thị cũng giữ giá bán ổn định so với thời điểm trước Tết. Cụ thể, tại hệ thống siêu thị Big C, Hapro Mart, Co.op Mart, Vinmart … súp lơ xanh 59.000 đồng/kg, cải chíp 25.000 đồng/kg, cải xanh, cải bó xôi 25.000-52.000 đồng/kg, ca ba sa 40.000 đồng/kg, cá chim trắng biển 180.000 đồng/kg, thịt lợn MeatDeli từ 140.000-180.000 đồng/kg. Giám đốc siêu thị Co.op Mart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, từ ngày mùng 2 Tết Nguyên đán Nhâm Dần (tức 2/2) hệ thống siêu thị Co.op Mart đã mở cửa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và cam kết không tăng giá hàng hóa.

Đánh giá của Bộ Công Thương việc dự trữ hàng hóa trong dịp Tết Nhâm Dần vừa qua, tại các TP lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... cho thấy sức mua tổng thể của cả nước dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 chỉ tăng từ 3-5% so với tháng thường, tăng tương đương Tết 2021. Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân các doanh nghiệp đã dự trữ một lượng lớn hàng hóa nên nguồn cung khá dồi dào, nên giá phần lớn các mặt hàng giữ ổn định so với những ngày cận Tết. Thị trường nhìn chung không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá, nguồn cung luôn được bảo đảm.

Giảm thuế VAT xuống 8% kích cầu tiêu dùng

Sau khi mở cửa hoạt động trở lại từ 1/2/2022, hệ thống siêu thị đã bắt đầu thực hiện Nghị định 15/2022 quy định chính sách miễn, giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 8%.

Nói về chính sách giảm thuế VAT sẽ hỗ trợ người dân giảm chi phí mua hàng hầu hết hết người tiêu dùng có chung ý kiến, chính sách này sẽ giúp người dân giảm số tiền phải trả khi mua hàng. Chị Nguyễn Minh Ngọc ở ngõ 85 Nguyễn Lương Bằng (Đống Đa) chia sẻ, việc giảm 2% thuế VAT dù không nhiều nhưng là tin vui với người tiêu dùng trong bối cảnh thu nhập bị giảm sút do tác động của dịch Covid-19. “ Hiện với mức chi tiêu cho những mặt hàng thiết yếu của gia đình khoảng 15 triệu đồng/tháng, số tiền thuế phải trả mỗi tháng chỉ còn khoảng 800.000 đồng, thay vì 1,5 triệu đồng như trước. Mặc dù số tiền không nhiều nhưng cũng giúp người dân vượt qua khó khăn do dịch Covid-19”-chị Ngọc nói.Rau xanh tăng giá, mua hàng siêu thị được giảm thuế VAT - Ảnh 2

 

Theo tính toán của Bộ Tài chính việc giảm thuế VAT sẽ khiến nguồn thu ngân sách nhà nước giảm khoảng 49,4 nghìn tỉ đồng. Số tiền thuế được hỗ trợ này sẽ góp phần giúp doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời có tác dụng kích thích tiêu dùng, đầu tư qua đó đóng góp vào kết quả khôi phục lại nền kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và góp phần thực hiện an sinh xã hội.

Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) Nguyễn Quốc Hưng

Người tiêu dùng mua rau xanh tại siêu thị Big C Thăng Long

Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế (Học viện Tài chính) TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, thuế VAT đánh trên toàn bộ các mặt hàng từ sản xuất đến tiêu dùng, nên việc giảm thuế sẽ giúp kéo giá thành sản phẩm, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, dịch vụ sẽ giảm theo.  "Việc giảm thuế VAT sẽ góp phần kích thích tiêu dùng, “cứu” nhà sản xuất và tạo công ăn việc làm cho người lao động, giúp kinh tế tăng trưởng. Đây là chính sách cần thiết để vực dậy nền kinh tế đang khó khăn do Covid-19"-ông Thịnh nói.

Đồng tình với ý kiến này, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga nêu rõ, hiện trong cơ cấu hàng hóa tại hệ thống siêu thị có đến 90-95% là hàng Việt, việc giảm thuế VAT sẽ hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ không phải tăng giá thành sản phẩm qua đó khuyến khích người dân tiêu thụ hàng Việt. Trong khi đó chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh phân tích đánh giá, khi giảm 2% thuế VAT sẽ người tiêu dùng tiết kiệm được chi tiêu bình quân, tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận hàng hóa, qua đó tăng giao dịch trên thị trường. Ngoài ra, việc giảm thuế VAT sẽ giúp kiềm chế, kiểm soát việc tăng chỉ số giá tiêu dùng khi tiêu dùng trong nước phục hồi và mở rộng sau dịch Covid-19.

Ý kiến của các chuyên gia cho thấy việc Chính phủ giảm thuế VAT cho hầu hết các mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ là hành động thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp, người tiêu dùng vượt qua khó khăn do dịch Covid-19, từ đó từng bước phục hồi phát triển kinh tế.